06:09, 11/09/2015

Bệnh sốt mò và các biện pháp phòng, chống

Ngày 10-9, Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu loại khá đề tài cấp tỉnh: Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học bệnh sốt mò do Rickettsia tsutsugamushi và đề xuất các biện pháp phòng, chống tại tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 10-9, Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu loại khá đề tài cấp tỉnh: Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học bệnh sốt mò do Rickettsia tsutsugamushi và đề xuất các biện pháp phòng, chống tại tỉnh Khánh Hòa. Đề tài do Tiến sĩ - bác sĩ Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang làm chủ nhiệm.


Kết quả nghiên cứu cho thấy, Ninh Hòa là địa phương có tỷ lệ bệnh nhân nhập viện cao nhất (38,8%), sau đó là Nha Trang (27,9%) và Diên Khánh (17,4%); nam giới chiếm 55,7%, nữ 44,3%; bệnh sốt mò xảy ra các tháng trong năm nhưng cao hơn vào các tháng 1, 7, 10, 11; bệnh nhân làm rẫy, nông - lâm nghiệp chiếm cao nhất (37,3%). Triệu chứng chính của bệnh là sốt cao trên 380C, có nốt mò đốt, nhức đầu, đau người, nổi hạch. Môi trường liên quan mắc bệnh sốt mò chủ yếu là trong hoặc ngoài nhà có chuột, quanh nhà có bụi rậm...


Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá, đây là đề tài lớn, đã mô tả đặc điểm lâm sàng; một số đặc điểm sinh thái học véc tơ truyền bệnh sốt mò Rickettsia tsutsugamushi tại Khánh Hòa; đánh giá kiến thức, thái độ, thực hành của người dân về phòng, chống bệnh sốt mò; đề xuất một số biện pháp phòng, chống bệnh sốt mò thích hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Tuy nhiên, cần bổ sung một số nội dung để hoàn chỉnh đề tài.


Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Rickettsia tsutsugamushi gây nên, một bệnh đặc thù của những nước vùng nhiệt đới, là bệnh lây truyền từ động vật sang người.


K.N