Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 21.150 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 47 tỉnh, thành, trong đó có 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 46,2% (miền Trung tăng 56,8%; miền Nam tăng 42,8%; Tây Nguyên tăng 75,2%); tăng 3 ca tử vong.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 21.150 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại 47 tỉnh, thành, trong đó có 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ, số ca mắc SXH tăng 46,2% (miền Trung tăng 56,8%; miền Nam tăng 42,8%; Tây Nguyên tăng 75,2%); tăng 3 ca tử vong.
Tại Khánh Hòa, hiện nay, có gần 1.400 ca mắc SXH, 1 ca tử vong. Trong đó, huyện Diên Khánh phát hiện 389 ca; TP. Nha Trang 421 ca; thị xã Ninh Hòa 221 ca, huyện Vạn Ninh 169 ca. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và những đơn vị liên quan không được chủ quan, phải tích cực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, trong đó lưu ý những xã, phường trọng điểm có nguy cơ cao.
Phun thuốc diệt muỗi ở TP. Nha Trang |
Một nơi (bao gồm: tổ dân phố, khu phố, xóm, thôn, cụm dân cư) được xác định là có ổ dịch SXH khi tại nơi đó có các ca bệnh lâm sàng xảy ra trong vòng 7 ngày hoặc một ca bệnh SXH được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật chuyên môn ở phòng xét nghiệm; đồng thời phát hiện có bọ gậy và muỗi trưởng thành truyền bệnh SXH trong phạm vi bán kính 200m. Khi phát hiện có ổ dịch SXH tại địa phương, hệ thống chính quyền với sự tham mưu của ngành Y tế phải tập trung xử lý ngay ổ dịch bằng các biện pháp can thiệp theo quy định. Ổ dịch SXH được xác định đã chấm dứt, không còn lưu hành khi không phát hiện được ca bệnh mắc mới trong vòng 14 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng.
Việc xử lý ổ dịch SXH phải được triển khai đồng thời cùng các biện pháp điều trị người bệnh. Việc điều trị bệnh nhân SXH phải được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với xử lý ổ dịch, tùy theo quy mô từng ổ dịch mà có cách xử lý khác nhau. Trong trường hợp chỉ có một ổ dịch SXH thì xử lý ở khu vực trong phạm vi bán kính 200m kể từ nhà bệnh nhân. Trường hợp có từ 3 ổ dịch SXH trở lên tại một tổ dân phố, thôn hoặc cơ sở tương đương trong vòng 14 ngày thì xử lý theo quy mô tổ dân phố, thôn hoặc cơ sở tương đương; trong trường hợp cần thiết có thể mở rộng hơn khi có nguy cơ dịch bệnh SXH lan rộng.
Khi ổ dịch SXH được phát hiện và xác định, trong vòng 48 giờ, đơn vị chức năng cần triển khai ngay các biện pháp như: phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, giám sát bệnh nhân và trung gian truyền bệnh với muỗi trưởng thành, bọ gậy; tuyên truyền và huy động cộng đồng cùng hưởng ứng, tham gia các biện pháp diệt bọ gậy, muỗi truyền bệnh. Chiến dịch diệt bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH là việc làm quan trọng mang lại hiệu quả cao trong công tác xử lý ổ dịch SXH; không nên chỉ chú trọng vào việc điều trị bệnh nhân, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Vì vậy, từng hộ gia đình cần tham gia tiến hành đồng loạt việc diệt bọ gậy, muỗi truyền bệnh trước khi phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Việc làm này sẽ giúp mục tiêu chiến dịch phòng, chống SXH tại địa phương thành công hơn.
Khi mắc bệnh SXH, người bệnh sẽ có biểu hiện lâm sàng sốt cao đột ngột, sốt liên tục từ 2 đến 7 ngày; có ít nhất 2 trong các dấu hiệu gồm: có chấm hoặc mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.
Bệnh nhân mắc bệnh SXH phải khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý: có những trường hợp mới chớm mắc bệnh, chưa được chẩn đoán SXH nên người bệnh thường tự điều trị tại nhà, dùng những thuốc không đúng đã gây hậu quả không tốt. Khi mắc bệnh SXH, những thuốc tuyệt đối không được dùng là Aspirin (vì Aspirin có tác dụng chống đông máu, làm cho việc chảy máu do SXH gây ra không cầm được, nhất là xuất huyết đường tiêu hóa, kết quả làm bệnh trầm trọng thêm); những thuốc kháng viêm không steroid như: diclofenac, ibuprofen, piroxicam... (cũng có tác dụng làm cho việc chảy máu trong SXH khó cầm). SXH là bệnh do vi rút gây ra, vì vậy không nên uống kháng sinh, vì kháng sinh chỉ điều trị để diệt vi khuẩn.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh)