11:07, 20/07/2015

Những điều cần biết về MERS-CoV

Tính đến ngày 8-7-2015, trên thế giới có 1.368 ca nhiễm MERS-CoV, trong đó có 488 ca tử vong tại 26 nước. Riêng tại Hàn Quốc, đã ghi nhận 186 trường hợp nhiễm MERS-CoV (có 39 nhân viên y tế), có 34 trường hợp tử vong. 

Tính đến ngày 8-7-2015, trên thế giới có 1.368 ca nhiễm MERS-CoV, trong đó có 488 ca tử vong tại 26 nước. Riêng tại Hàn Quốc, đã ghi nhận 186 trường hợp nhiễm MERS-CoV (có 39 nhân viên y tế), có 34 trường hợp tử vong. 
 
Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV. Tuy vậy, người dân cần chủ động tuân theo các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV. 
 
Hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông là gì? Hội chứng này do một chủng vi rút mới của họ vi rút corona gây nên, do đó thường được gọi là bệnh MERS-CoV. Đường lây truyền của MERS-CoV là truyền từ lạc đà sang người, cụ thể là tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất thải tiết ra từ lạc đà hoặc sử dụng các sản phẩm như: thịt, sữa lạc đà tươi. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần với bệnh nhân thông qua giọt bắn đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm vi rút. 
 
Những triệu chứng khi nhiễm MERS-CoV là sốt, ho đến nặng hơn như: khó thở, viêm phổi, suy hô hấp cấp; ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như: tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận. Người nhiễm MERS-CoV nguy cơ tử vong cao; tỷ lệ người chết/người mắc từ 35 đến 40%. Một số người có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ. Các độ tuổi đều có khả năng nhiễm MERS-CoV. Tuy nhiên, theo ghi nhận hầu hết các trường hợp mắc là người trên 30 tuổi, nam giới, đặc biệt những người có bệnh mãn tính kèm theo thường có biến chứng nặng; đã có nhiều trường hợp cán bộ y tế mắc MERS-CoV trong các cơ sở y tế do không áp dụng đúng biện pháp phòng hộ phù hợp.
 
Các yếu tố dịch tễ cần lưu ý khi có nghi ngờ mắc MERS-CoV: Trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát có tiền sử ở, đi, đến các quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân xác định mắc MERS-CoV; tiếp xúc gần với người bị viêm đường hô hấp cấp tính liên quan đến quốc gia có dịch, thành viên có tiếp xúc gần trong một chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nghi ngờ do MERS-CoV. 
 
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh do MERS-CoV. Vì thế, người dân cần tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm MERS-CoV như: không nên đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh MERS-CoV; nếu phải đi, cần tìm hiểu kỹ thông tin và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh viêm đường hô hấp và người nghi nhiễm MERS-CoV, không đến bệnh viện khi không cần thiết; nếu đến bệnh viện, cơ sở y tế, cần phải đeo khẩu trang để phòng, chống bệnh lây truyền qua đường hô hấp; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường; che miệng, mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất dùng khăn vải hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay; tăng cường thông khí nơi ở, nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa; thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường. 
 
Những người đi đến từ quốc gia có dịch MERS-CoV đang lưu hành, phải chủ động khai báo y tế khi nhập cảnh và tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày; nếu có sốt, ho, khó thở phải báo ngay cho các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và tư vấn kịp thời. 
 
Số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế: 096.385.1919. 
 
BS Tôn Thất Toàn -
Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa