07:07, 10/07/2015

Ưu tiên hỗ trợ người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai

Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa nhân ngày Dân số thế giới 11-7, bà Huỳnh Thị Hiên - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết:

Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa nhân ngày Dân số thế giới 11-7, bà Huỳnh Thị Hiên - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết:


- Năm nay, ngày Dân số thế giới có chủ đề: “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”. Chủ đề này cho thấy, cả thế giới đều quan tâm và hướng tới những người dân thiệt thòi ở những vùng thiên tai. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu và đang phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ, tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn... Vì thế, những thông điệp của ngày Dân số thế giới năm nay là: “Luôn đảm bảo phẩm giá, sự an toàn và SKSS cho mọi phụ nữ và trẻ em gái”; “Phụ nữ và trẻ em gái là những nhóm dân số dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra và những nhu cầu cụ thể của họ thường không được đáp ứng. Đảm bảo sự an toàn, phẩm giá và sức khỏe cho họ sẽ góp phần đảm bảo hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng”...


- Thưa bà, trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra những hoạt động gì hưởng ứng ngày Dân số thế giới năm nay?


 - Chi cục đã ban hành văn bản hướng dẫn Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông liên quan đến ngày Dân số thế giới và các vấn đề của ngành trong năm 2015; tổ chức lễ kỷ niệm và phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền đến người dân về chủ đề ngày Dân số thế giới và các hoạt động chính của ngành trong năm.


Cấp huyện, xã sẽ tổ chức mít tinh, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, cổ động, diễu hành; tổ chức tuyên truyền, tư vấn và phối hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ thường xuyên tại các trạm y tế cho người dân; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về ngày Dân số thế giới, các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số...


- Để hỗ trợ chăm sóc SKSS và KHHGĐ tốt cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai, thời gian tới, ngành Dân số tỉnh có sự chuẩn bị như thế nào, thưa bà?


- Thời gian tới, cùng với các ngành khác, ngành Dân số tỉnh sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc tăng cường đảm bảo dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đồng thời, nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác. Cụ thể, ngành sẽ tập trung 5 giải pháp chính: Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của ngành từ tỉnh đến các địa phương; xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số; thiết lập cơ chế thông tin trong ngành để đánh giá tác động thiên tai và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó; triển khai nghiên cứu bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của cán bộ trong ngành...


Thời gian qua, ngành Dân số tỉnh đã có những đóng góp đáng kể trong việc cải thiện chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và KHHGĐ. Quy mô dân số trên địa bàn tỉnh từng bước được kiểm soát, tỷ lệ giảm sinh duy trì ở mức 0,25%/năm, cơ cấu dân số điều chỉnh hợp lý bảo đảm “cơ cấu dân số vàng”, tuổi thọ dân số tăng lên 72,6 tuổi... Tuy nhiên, quy mô dân số ngày càng lớn, mức giảm sinh không đồng đều giữa miền núi và đồng bằng, nông thôn và thành thị, xuất hiện mất cân bằng giới tính khi sinh với 109,2 trẻ trai/100 trẻ gái, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh (10,2% năm 2014)... Vì vậy, ngoài việc dự phòng chăm sóc cho nhóm người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai, ngành còn chú trọng quan tâm chăm sóc sức khỏe cho nhóm phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tìm giải pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; kiểm soát mức sinh và duy trì mức sinh thấp hợp lý. Mặt khác, nâng cao vai trò phụ nữ và trẻ em gái; quan tâm đến nhân phẩm, sự an toàn và SKSS cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở mọi thời điểm; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS, KHHGĐ đến vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao và không ổn định...


- Xin cảm ơn bà!


Minh Thiết (Thực hiện)