Từ đầu mùa hè đến nay, nắng nóng khiến tỷ lệ trẻ nhập viện tăng cao, trong đó có nhiều trường hợp bị nhiễm tụ cầu vàng nặng phải điều trị tích cực.
Từ đầu mùa hè đến nay, nắng nóng khiến tỷ lệ trẻ nhập viện tăng cao, trong đó có nhiều trường hợp bị nhiễm tụ cầu vàng nặng phải điều trị tích cực.
Gia tăng trẻ bị nhọt
Chị Mai Thị Lệ Hoa (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) đưa con hơn 2 tuổi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong tình trạng bị sốt 410C, đầu nổi mụn nhọt, toàn thân nổi từng mảng đỏ. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cháu có nhiều biểu hiện nghi nhiễm tụ cầu vàng nên phải truyền thuốc để kịp thời ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng huyết. Chị Hoa cho biết: “Mấy ngày trước, thấy cháu nổi mụn nhọt trên đầu, sốt nhẹ, trên da xuất hiện những mảng đỏ, gia đình cứ nghĩ do thời tiết nóng nực, da trẻ còn non nên mới thế. Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến căn bệnh nhiễm tụ cầu vàng...”.
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhân tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Trường hợp cháu Nguyễn Quỳnh Thơ (6 tuổi, phường Phước Long, TP. Nha Trang) đang điều trị theo phác đồ nhiễm tụ cầu vàng tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh cũng tương tự. Mẹ cháu Thơ cho biết, sáng ngủ dậy thấy cháu sốt, trên da nổi từng mảng hồng ban và ngứa, mặt cháu hơi sưng, ửng đỏ quanh vùng dưới mắt. Khi đưa cháu đi khám, mới biết cháu có biểu hiện nhiễm tụ cầu vàng. Cháu vào viện điều trị gần 1 tuần mới dần hồi phục.
Thống kê tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh, ở những mùa khác, trung bình mỗi tuần khoa chỉ tiếp nhận từ 2 - 3 ca. Riêng trong mùa hè, số bệnh nhân có biểu hiện nghi nhiễm loại vi trùng này tăng, chiếm khoảng 10% số bệnh nhân nhập viện trong ngày (trung bình mỗi ngày 2 - 3 ca).
Không nên chủ quan
Tụ cầu vàng là loại vi trùng nguy hiểm nhất trong nhóm vi trùng tụ cầu. Chúng thường tồn tại trên da và niêm mạc, gây nhiều bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Vi khuẩn xâm nhập cơ thể người qua vết hở trên bề mặt da, niêm mạc và tấn công gây bệnh khi sức đề kháng yếu. Đặc biệt, mùa hè thời tiết nóng nực, trẻ hay bị mẩn ngứa, cào xước, vi trùng tụ cầu dễ xâm nhập gây nổi mụn nhọt, chốc lở.
Trong khi đó, phần lớn cha mẹ khi thấy con nổi mụn nhọt đều chủ quan cho rằng do thời tiết, không đưa trẻ đi khám mà tự mua thuốc về bôi cho trẻ. Một số bà mẹ xử trí theo kinh nghiệm dân gian như giã nát một số loại lá cây, hạt đậu xanh đắp lên... Việc sử dụng các biện pháp như vậy có thể không đảm bảo vệ sinh, lại là cơ hội cho vi trùng xâm nhập cơ thể của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Phó Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết, trẻ bị nhiễm tụ cầu vàng không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Biến chứng nặng nề nhất là nhiễm trùng huyết, nguy cơ tử vong cao. Các dấu hiệu đặc trưng của nhiễm tụ cầu vàng ở trẻ là sốt cao, lạnh run, viêm cơ lan tỏa, phù nề, rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, trường hợp vi trùng tụ cầu nhiễm vào phổi gây khó thở. Đặc biệt, da bị tổn thương như nổi mảng hồng ban, sau vài ngày ở bẹn, nách nổi chi chít các bọng nước mềm, nhỏ, nông, dễ vỡ...
Vi trùng tụ cầu vàng có thể xâm nhập qua đường hô hấp hoặc lây trực tiếp từ người nhiễm bệnh và phần lớn là xâm nhập qua da. Do đó, không nên chủ quan khi trẻ bị mọc mụn nhọt hoặc trầy xước ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, cần theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời điều trị.
Duy Anh Thư