Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2014 trên thế giới có hơn 2 tỷ người đã từng nhiễm vi rút viêm gan B, khoảng 130 - 150 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính. Hàng năm có khoảng 1 triệu trường hợp tử vong liên quan đến bệnh viêm gan vi rút.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2014 trên thế giới có hơn 2 tỷ người đã từng nhiễm vi rút viêm gan B, khoảng 130 - 150 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính. Hàng năm có khoảng 1 triệu trường hợp tử vong liên quan đến bệnh viêm gan vi rút.
Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, có đến 57% người bệnh bị xơ gan và 78% người bị ung thư gan do người bệnh đã nhiễm vi rút viêm gan B và C. Trong số 16 triệu người tiêm chích ma túy, ước tính có khoảng 10 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C do sử dụng chung bơm kim tiêm.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B, viêm gan C cao và chịu hậu quả nặng nề do căn bệnh này gây nên. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam trên một nhóm dân cư cho thấy, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B trong cộng đồng dân cư từ 8 - 25% và khoảng 2,5 - 4,1% với vi rút viêm gan C, đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm phụ nữ có thai có tỷ lệ từ 10 - 20%. Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em (do lây truyền từ mẹ qua con trong quá trình chuyển dạ đẻ) và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em (chiếm 90%).
Có 5 loại viêm gan vi rút bao gồm viêm gan vi rút A, B, C, D và E. Trong đó, viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu, đường quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con. Viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân, miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.
Bệnh viêm gan B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc xin sớm và đúng quy định. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B; tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và hoàn thành đủ 3 mũi vắc xin theo đúng lịch tiêm chủng quốc gia sẽ ngăn ngừa được 90% các trường hợp lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con. Tiêm vắc xin thực hiện càng sớm hiệu quả càng cao. Ngoài ra, những người có nguy cơ cao nhiễm vi rút viêm gan B gồm: người tiêm chích ma túy, người chạy thận nhân tạo, người có hành vi tình dục nguy cơ cao, người chưa có miễn dịch và tiếp xúc gần gũi với người bị viêm gan B mạn tính cũng cần được khuyến khích tiêm phòng vắc xin viêm gan B.
Đối với viêm gan vi rút C hiện chưa có vắc xin dự phòng. Hiện nay, có các thuốc thế hệ mới tác dụng trực tiếp lên vi rút, hiệu quả điều trị tốt, tuy nhiên chi phí thuốc điều trị viêm gan vi rút C rất đắt tiền và đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị, nếu không sẽ làm giảm hiệu quả của việc điều trị bệnh.
Viêm gan vi rút A lây qua đường ăn uống, đa số bệnh tự khỏi nhưng có một tỷ lệ nhỏ (0,1% - 0,8%) có thể bị viêm gan bùng phát dẫn đến tử vong. Viêm gan vi rút A thường khu trú tại một khu vực nhỏ và không tạo các đợt dịch lớn trong cộng đồng. Bệnh viêm gan vi rút A đã có vắc xin dự phòng. Nếu điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm không tốt, nguy cơ phát sinh bệnh viêm gan vi rút A là có thể xảy ra.
Thường bệnh viêm gan diễn tiến dưới 6 tháng được gọi là viêm gan cấp, viêm gan kéo dài trên 6 tháng được gọi là viêm gan mãn tính. Các biểu hiện bệnh viêm gan đa phần không có triệu chứng rõ ràng, một số có biểu hiện vàng da, đau hạ sườn phải (chiếm khoảng 25% trường hợp). Hầu hết bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ khi làm xét nghiệm.
Trong bối cảnh gánh nặng bệnh gan do vi rút gây ra ngày càng lớn, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các quốc gia phát triển có các chiến lược hiệu quả đối phó với bệnh viêm gan và nâng cao nhận thức về căn bệnh này. Và Tổ chức Y tế thế giới đã lấy ngày 28-7 hàng năm là “Ngày phòng chống viêm gan thế giới”.
Tháng 3-2015, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015 - 2019 với mục tiêu làm giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan vi rút.
Để phòng, chống bệnh viêm gan vi rút, các bà mẹ và gia đình cần cho bé tiêm ngừa vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh và tiêm đủ 3 mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Những người có hành vi nguy cơ cao nhiễm vi rút viêm gan cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, xét nghiệm sàng lọc để phát hiện và điều trị sớm các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan.
Các địa phương cần phối hợp với ngành Y tế vận động các hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay; đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin viêm gan B đúng lịch; những người có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan vi rút tham gia khám sàng lọc để phát hiện sớm, được điều trị kịp thời.
BS Tôn Thất Toàn -
Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh Khánh Hòa