Theo đánh giá của các chuyên gia xã hội học, người làm nghề công tác xã hội có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Do đó, tỉnh cần chú trọng phát triển đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội chuyên nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia xã hội học, người làm nghề công tác xã hội (CTXH) có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp phục hồi chức năng (PHCN) cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Do đó, tỉnh cần chú trọng phát triển đội ngũ nhân viên làm CTXH chuyên nghiệp.
Nhìn từ thực tế
Do áp lực của cuộc sống, áp lực kinh tế, tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế và nhiều nguyên nhân khác nhau nên số người tâm thần, rối nhiễu tâm trí đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, cả nước có khoảng 9 triệu người mắc các bệnh tâm thần thường gặp như: tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ ở người già, loạn tâm thần sau chấn thương sọ não, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, rối loạn tâm thần do rượu bia và ma túy.
Toàn tỉnh hiện có hơn 3.120 người tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Trong khi đó, việc chăm sóc và PHCN cho những đối tượng này đang là một thách thức lớn, gánh nặng đối với cộng đồng và toàn xã hội. Phần lớn các gia đình có người tâm thần đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, do phải đưa đối tượng đến điều trị tại bệnh viện dài ngày và nhiều lần.
Cùng với đó, chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) và PHCN cho người tâm thần dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập như: Thiếu quy trình và nhân viên CTXH làm công tác phát hiện, can thiệp sớm những người bị rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng; chưa có các quy định về vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên lao động - thương binh và xã hội, CTXH, y tế trong việc trợ giúp người tâm thần PHCN dựa vào cộng đồng; chưa có quy trình, tiêu chí lựa chọn người tâm thần PHCN luân phiên tại các cơ sở BTXH kết hợp với PHCN tại cộng đồng theo một quy trình liên thông. Ngoài ra, quy trình chăm sóc và PHCN của các cơ sở BTXH chưa luân phiên, gần như nuôi người tâm thần từ khi tiếp nhận cho đến chết; kỹ năng và phương pháp chăm sóc chưa khoa học; cán bộ, nhân viên CTXH làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc người tâm thần còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên sâu CTXH trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người tâm thần; chưa có các dịch vụ trị liệu tâm lý, dịch vụ CTXH trong chăm sóc và PHCN cho người tâm thần.
Cần phát triển nhân viên công tác xã hội
Hiện nay, 137 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã bố trí cộng tác viên CTXH. Tuy nhiên, đa số họ chưa được đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về nghề CTXH chuyên nghiệp. Đồng thời, do mới hình thành và hoạt động nên hiệu quả đem lại từ đội ngũ cộng tác viên này chưa cao.
|
Có thể nói, nhân viên CTXH chuyên nghiệp có vai trò rất lớn trong từng bước PHCN cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, việc phát triển nhân viên CTXH ở các trung tâm BTXH, bệnh viện, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
VĂN NGUYỄN