Đều đặn 3 lần/tuần, những người mắc bệnh suy thận phải đến "thăm" Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Với họ, cuộc chiến với căn bệnh nan y này thật dai dẳng.
Đều đặn 3 lần/tuần, những người mắc bệnh suy thận phải đến “thăm” Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (HSTC-CĐ) Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Với họ, cuộc chiến với căn bệnh nan y này thật dai dẳng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương - Phó Trưởng khoa HSTC-CĐ cho biết, đa số bệnh nhân (BN) chạy thận đều có hoàn cảnh khó khăn. Người khá giả khi mang căn bệnh này cũng sẽ trở thành người nghèo. “Tự nhiên mất đi một lao động trong nhà, lại thêm gánh nặng chi phí chạy thận trong thời gian dài, không nghèo sao được. Căn bệnh này cướp đi của người ta nhiều thứ lắm!” - bác sĩ Phương chia sẻ.
Bệnh nhân chạy thận tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc |
Nằm lặng lẽ trong góc nhỏ cạnh ô cửa sổ phòng bệnh, chàng thanh niên sinh năm 1991 Nguyễn Quang vẫn mơ ước một ngày khỏi bệnh, có thể phụ giúp mẹ già. Đều đặn 3 lần/tuần, Quang đi xe buýt từ Ninh Hòa vào Nha Trang để chạy thận. Mắc bệnh từ năm 2011, Quang vẫn nhớ như in 4 năm về trước, khi đang còn là một thanh niên khỏe mạnh, yêu đời, có công việc ổn định với thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng, mọi thứ bỗng đổ sụp trước mắt khi bác sĩ thông báo Quang bị suy thận giai đoạn 3 trong một lần đi khám. Thì ra, từ lúc chào đời, Quang chỉ mang trong người một quả thận mà không hay biết. Gia đình bất lực, bao ước mơ tiêu tan, mẹ anh khóc hết nước mắt. 4 năm chạy thận, những vết kim tiêm đã khiến tay Quang sưng lên từng cục, da sạm đen. Từ một thanh niên cường tráng, nay Quang chỉ còn hơn 60kg, đi lại còn thấy mệt.
Cũng như Quang, gia đình chị Nguyễn Thị Giàu (xã Diên Lộc, huyện Diên Khánh) sẽ không đến nỗi nào nếu như chị không mắc bệnh suy thận. 2 năm trước, đang là công nhân tại Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm), bỗng chị cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, tình trạng này kéo dài không dứt. Đến lúc đi khám, cả gia đình tá hỏa khi bác sĩ thông báo chị bị suy thận giai đoạn 3. Tinh thần suy sụp, sức khỏe chị xuống luôn từ đó, của cải của gia đình cũng dần ra đi, thứ giá trị nhất là cuốn sổ đỏ cũng phải thế chấp ngân hàng để có tiền chăm lo cho chị. “Biết là bệnh tật không chừa ai, nhưng con còn nhỏ, giờ tiền bạc gia đình đem lo cho mình hết, tôi lại thêm nỗi lo” - chị Giàu tâm sự.
Tự nhận mình là một trong số các BN đang giữ kỷ lục chạy thận với “thâm niên” 8 năm, tính ra là hơn 1.200 lần thăm viện, chị Lê Thị Bích Chi (thị xã Ninh Hòa) chia sẻ, không chỉ chị mà tất cả BN chạy thận tại đây, ai cũng hiểu mình đã mang bản án chung thân với căn bệnh suy thận.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương cho biết, suy thận là việc thận mất dần khả năng điều chỉnh, bài tiết các chất cặn bã được sản sinh ra trong quá trình chuyển hóa, gây tổn thương nhiều cơ quan, nội tạng, dẫn đến tử vong khi ở giai đoạn cuối. Sự giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với các BN nghèo chạy thận là cần thiết, nhưng đó chỉ là phần ngọn. Quan trọng và lâu dài hơn vẫn là bảo hiểm y tế toàn dân. Bên cạnh đó, mỗi người cần coi trọng sức khỏe của mình, nên cố gắng kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện suy thận sớm sẽ dễ điều trị hơn. |
“Gia đình không có tiền, lúc biết bệnh, vợ tôi nằng nặc đòi để vậy, không chạy chữa, để tiền nuôi con, may nhờ bác sĩ giải thích, chạy thận là phương pháp kéo dài thời gian hiệu quả nhất cho người bệnh, để có thêm thời gian lo cho gia đình, con cái, vợ tôi mới hiểu và nghe theo” - anh Nguyễn Minh Sơn (chồng chị Giàu) tâm sự. Còn Quang vẫn lạc quan khi tâm sự đang chắt chiu từng chút thời gian được ở bên gia đình, để mẹ và anh chị vui, yên tâm công tác. Cạnh giường Quang, chị Lê Thị Bích Chi tuy thấm mệt vì phải nằm lâu, nhưng vẫn vui vẻ khoe, trước đây phải có người nhà chở chị vào viện để chạy thận, nhưng nay chị khỏe hơn nhiều, có thể tự đi xe buýt từ Ninh Hòa vào Nha Trang, mọi người trong nhà rất phấn khởi.
Hiện khoa HSTC-CĐ đang thực hiện chạy thận cho 130 BN theo chu kỳ, hơn 70 BN điều trị lưu động tại nhà. Trong số đó, hầu hết BN đã có bảo hiểm y tế, chỉ phải chi trả 20% viện phí. Những BN có bảo hiểm y tế hộ nghèo được miễn phí hoàn toàn chi phí chạy thận, những hộ cận nghèo chỉ chịu 5% mức phí. Tuy nhiên, vì thời gian điều trị kéo dài, nên mọi khoản phí đối với họ dù ít, nhưng cũng là vấn đề lớn, kèm theo đó là chi phí phát sinh cho đi lại, ăn ở, bồi dưỡng sức khỏe nên không ít gia đình tính bỏ cuộc. Có nhiều BN đã bỏ điều trị hoặc cắt giảm số đợt điều trị theo chu kỳ vì không đủ điều kiện. Theo bác sĩ Phương, đây là việc vô cùng nguy hiểm vì bỏ điều trị vài lần có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và rất dễ dẫn đến tử vong...
“Tôi chỉ mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, chỗ ăn chỗ nghỉ cho BN, người nhà BN ở xa, không có điều kiện đi lại nhiều. Nhìn họ phải mệt mỏi, vật vờ chờ ở hành lang bệnh viện, chúng tôi không khỏi xót xa” - bác sĩ Phương bộc bạch.
VĨNH THÀNH