07:05, 18/05/2015

Có nguy cơ gia tăng trong mùa hè

Theo các chuyên gia y tế, những tháng hè sẽ là mùa cao điểm của bệnh viêm não do virus, trong đó có viêm não Nhật Bản. Bệnh này hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và di chứng để lại hậu quả rất nặng nề.

Theo các chuyên gia y tế, những tháng hè sẽ là mùa cao điểm của bệnh viêm não do virus, trong đó có viêm não Nhật Bản. Bệnh này hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và di chứng để lại hậu quả rất nặng nề.


Đầu tháng 5, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã cứu sống bệnh nhi Nguyễn Hoàng Thanh V. (39 tháng tuổi, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) bị viêm não rất nặng. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mất hết các phản xạ, đồng tử 2 bên mắt giãn, đáp ứng kém với ánh sáng, suy hô hấp, nhịp thở nhanh, sâu. Bệnh nhân (BN) được chẩn đoán: viêm não - nhiễm toan chuyển hóa nặng. Khoa Nhi của BV đã tiến hành cấp cứu cho BN. Qua 7 ngày điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của BN cải thiện tốt, hết sốt, tỉnh táo, tiếp xúc được, tự thở tốt, ăn uống, ngủ được... Theo bà Nguyễn Thu H. - mẹ của BN, trước khi nhập viện 3 ngày, V. có triệu chứng sốt cao, ho vài tiếng. Nghĩ V. mắc bệnh sốt thông thường nên gia đình cho uống thuốc hạ sốt. Sau đó, thấy V. sốt li bì, ăn uống kém, thở mệt nên đưa vào BVĐK Cam Lâm. Tại đây, các y, bác sĩ chẩn đoán V. mắc bệnh viêm phổi nặng nên chuyển đến BVĐK tỉnh.

 

Mùa hè nắng nóng, trẻ dễ mắc bệnh viêm não. (ảnh minh họa)
Mùa hè nắng nóng, trẻ dễ mắc bệnh viêm não (ảnh minh họa)


Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy - Phó Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết, vào mùa hè thường có sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng nói chung và bệnh viêm não nói riêng. Bệnh viêm não, viêm màng não do nhiều loại virus gây ra, thường là do các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột (như EV71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các virus khác chưa biết rõ. Tuy nhiên, các virus arbo là loại virus thường gây bệnh viêm não trong mùa hè nắng nóng. Mầm bệnh có ở những động vật có vú nhỏ và một số loại chim, ngựa...


Khi côn trùng đốt động vật rồi đốt sang người sẽ truyền bệnh cho người. Biểu hiện của bệnh là sốt, choáng váng, đau họng, đau bụng, sổ mũi, hắt hơi, ho, đau đầu, nôn. Nếu BN bị tổn thương não sâu hơn sẽ dẫn đến ngủ lịm, hôn mê, thiểu năng trí tuệ. Một số trường hợp xuất hiện sốt đột ngột, co giật ngoại ý, liệt chân tay. Viêm não cấp tính thường kéo dài 1-3 tuần, nhưng sự hồi phục rất chậm. Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não do virus. Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng và điều trị triệu chứng.


“Nguyên nhân triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do virus thông thường, chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác nên cha mẹ không phát hiện được, cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt... Vì thế, nhiều trường hợp mắc bệnh không được chữa trị kịp thời hoặc do bệnh nặng dẫn đến biến chứng yếu chi, liệt nửa người, nặng hơn là tàn phế, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong” - bác sĩ Huy cảnh báo.


Để phòng tránh bệnh viêm não cho trẻ, đối với các virus arbo - bệnh lây qua côn trùng như: muỗi, ve..., việc quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ trẻ bị côn trùng đốt khi chơi ngoài trời (lúc bình minh hoặc hoàng hôn - thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay chân cho trẻ; sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ; phải thường xuyên vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có mật độ muỗi cao. Đối với các chủng virus như: herpes, sởi, quai bị..., đây là các bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp nên cần phải cách ly người bệnh và hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Trong số các chủng virus này, một số chủng virus gây bệnh đã có vaccine phòng bệnh (như: sởi, quai bị), vì vậy cần phải chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh và những biến chứng viêm não của các bệnh này cho trẻ.


Đối với các virus đường ruột - bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, việc vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong đó, việc rửa tay với xà phòng là biện pháp phòng bệnh đơn giản mà hiệu quả. Riêng đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản, đã có vaccine phòng bệnh; vì vậy, người dân cần thực hiện tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch cho trẻ. Đây cũng biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.


T.L