Tuy được đầu tư xây mới nhưng hiện nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang đối mặt với nỗi lo thiếu bác sĩ và kinh phí hoạt động.
Tuy được đầu tư xây mới nhưng hiện nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang đối mặt với nỗi lo thiếu bác sĩ (BS) và kinh phí hoạt động.
Thiếu nhân lực dẫn đến tình trạng quá tải tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Ninh |
Từ thiếu bác sĩ...
Được thiết kế xây dựng rất khang trang, theo tiêu chuẩn BV loại 3 và trang bị nhiều thiết bị, máy móc y tế hiện đại như: máy XQ cao tầng, máy siêu âm 3 chiều, máy đo điện não, máy phẫu thuật nội soi... nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay ở BVĐK Vạn Ninh là nguồn nhân lực còn thiếu, nhất là đội ngũ BS. Năm 2014, BV tuyển được 3 BS, nhưng cũng trong năm có 4 BS xin nghỉ việc, chuyển công tác. Điều này càng khiến cho công tác khám, chữa bệnh (KCB) tại BV trở nên khó khăn, áp lực hơn.
Hiện BV có 150 giường, nhưng chỉ có 26 BS, thiếu 15 BS, nhiều khoa chỉ có 1 BS. Đơn cử như Khoa Cấp cứu hồi sức và chống độc có 14 giường bệnh, theo quy định phải có 3 BS làm việc, nhưng vì thiếu nhân lực, nên BV chỉ bố trí 1 BS phụ trách tất cả mọi công việc từ phòng khám đến cấp cứu người bệnh. Đặc biệt, tại Khoa Nhi, Khoa Nội và Khoa Nhiễm luôn có lượng lớn người bệnh vào KCB, nhưng do thiếu BS nên mỗi ngày 1 BS phải KCB cho 100 đến 150 người bệnh. Trong khi theo quy định của Bộ Y tế, mỗi ngày 1 BS chỉ được KCB tối đa cho 35 người bệnh. Áp lực công việc là vậy, nhưng thu nhập bình quân hàng tháng của các BS ở đây chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng/người. Ông Trần Tấn Thiện - Giám đốc BVĐK Vạn Ninh chia sẻ: “Trước những khó khăn, áp lực đó, để giữ được BS ở lại làm việc, chúng tôi đã đưa ra nhiều chính sách nhằm động viên, khuyến khích họ. Bên cạnh đó, nhằm giảm áp lực cho các BS và giải bài toán thiếu nhân lực trước mắt, chúng tôi phải ký hợp đồng với 25 y sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên”.
Những năm qua, tuy BVĐK Vạn Ninh đã có nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhưng việc tuyển BS về làm việc ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Do nguồn thu nhập thấp, BS mới ra trường không mặn mà. Người có chuyên môn giỏi lại tìm đến những nơi có điều kiện thu nhập cao hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến BVĐK Vạn Ninh luôn ở trong tình trạng thiếu BS. Theo BS Trần Tấn Thiện, hơn 10 năm trở lại đây chưa có một BS chính quy nào về đây làm việc. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, BV đã có 5 BS bỏ việc chuyển vào TP. Hồ Chí Minh và TP. Nha Trang. Để bổ sung nguồn BS còn thiếu, BVĐK Vạn Ninh đã tạo điều kiện cho các y sĩ tham gia thi tuyển đại học để học lên BS. Tuy nhiên, số lượng y sĩ thi đậu khá ít, tính riêng trong năm 2014 chỉ có 6 người thi đậu. Không những vậy, trong thời gian học BS, BV phải hỗ trợ chi phí học tập, mỗi khóa đào tạo mất 4 năm. Với cách làm này, phải mất ít nhất 10 năm nữa BVĐK Vạn Ninh mới hy vọng ổn định được đội ngũ BS.
... đến thiếu kinh phí hoạt động
Mỗi năm, BVĐK Vạn Ninh được cấp kinh phí khoảng 7,2 tỷ đồng cho 140 giường bệnh. BS Trần Tấn Thiện cho biết: “Với số tiền này, đơn vị chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên trong 8 tháng. Để duy trì hoạt động cho những tháng còn lại, BV phải lấy tiền viện phí để trang trải. Tình trạng thiếu kinh phí đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động KCB của đơn vị. Do đó, để đảm bảo các hoạt động, BV rất mong các cấp, ngành, địa phương cấp thêm kinh phí cho đơn vị”.
Được biết, hiện BVĐK Vạn Ninh đang ở trong tình trạng chi nhiều hơn thu. Vì thế, để hạn chế chi phí, BV đã quán triệt toàn thể cán bộ, y, BS thực hành tiết kiệm trong tất cả các hoạt động. BV đã thay hơn 200 bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm điện; các loại công văn, giấy mời, văn bản đều gửi qua email và website của đơn vị... Việc làm này cũng đem lại hiệu quả, góp phần hạn chế sự lãng phí trong tiêu hao điện năng, giấy tờ, văn phòng phẩm...
Có thể nói, chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế, vì vậy ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đội ngũ y, BS được xem là yếu tố quan trọng; bởi hiện nay có nhiều dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nếu thiếu lực lượng y, BS thì không chỉ ngành Y tế gặp khó khăn mà người dân địa phương sẽ là đối tượng bị thiệt thòi. Do đó, các cấp, ngành, địa phương và BVĐK Vạn Ninh cần có phương án giải quyết bài toán về nhân lực; hỗ trợ thêm kinh phí để BV hoạt động hiệu quả hơn, tránh ảnh hưởng đến chất lượng KCB cho người dân.
VĂN GIANG - THẾ ANH