Tuy tai có cơ chế làm sạch tự nhiên, nhưng nhiều người vẫn có thói quen lấy ráy tai. Thói quen này tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Tuy tai có cơ chế làm sạch tự nhiên, nhưng nhiều người vẫn có thói quen lấy ráy tai. Thói quen này tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Tài nội soi tai cho bệnh nhân tại Khoa Tai mũi họng. |
Nguy cơ từ nhà ra tiệm
Ông Trần Văn Thắng (phường Phương Sơn, Nha Trang) bị ngứa tai, thường xuyên chảy dịch màu vàng, có mùi hôi và tình trạng này đã tái đi tái lại nhiều lần. Ông đã đến khám tại Khoa Tai mũi họng (TMH) Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh và được chẩn đoán bị viêm tai giữa, màng nhĩ có lỗ thủng. Ông Thắng cho biết: “Trong một lần lấy ráy tai bằng móc đồng, ông trượt tay đẩy cái móc vào quá sâu thấy nhói buốt trong tai, một lúc sau lại bình thường nên cũng không để ý. Giờ bị viêm tai ông mới nghĩ có thể màng nhĩ bị thủng vào thời điểm đó”.
Anh Nguyễn Văn Minh Hiền (phường Phước Tiến, Nha Trang) đến BV trong tình trạng ù tai, giảm thính lực. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm tai giữa mãn tính, trong ống tai nấm bám dày đặc. Anh Hiền cho biết, trước đây anh tự lấy ráy tai làm thủng màng nhĩ phải đi vá lại, nhưng vẫn không bỏ được thói quen lấy ráy tai mỗi khi ra tiệm cắt tóc. “Cũng biết dụng cụ lấy ráy tai ở ngoài tiệm người ta dùng chung cho nhiều người, nhưng thấy có rửa bằng cồn nên cũng yên tâm. Nghe bác sĩ nói, các hạt vi nấm có thể bám trên dụng cụ rất dễ lây từ người này sang người khác, giờ mới biết thì đã muộn”, anh Hiền nói.
Được biết, trung bình mỗi ngày có hơn 20 bệnh nhân mắc các bệnh lý về tai đến khám tại Khoa TMH, trong đó khoảng 20% bị viêm ống tai ngoài, phần lớn là viêm tai giữa. Không ít trường hợp mắc bệnh có liên quan đến thói quen ráy tai. Mỗi tuần cũng có vài ba trường hợp nhập viện bị thủng màng nhĩ do tai nạn, đặc biệt là tai nạn trong khi ngoáy tai.
Thay đổi thói quen để phòng ngừa
Lấy ráy tai chỉ là một thói quen thường ngày, nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng như giảm thính lực, nặng hơn là viêm xương chủm, viêm màng não, áp xe não có thể dẫn đến chết người. Bác sĩ Từ Tấn Tài, Khoa TMH, BV Đa khoa tỉnh cho biết: “Những bệnh nhân đến khám với tình trạng ngứa nhiều, ù tai, thậm chí giảm thính lực do nấm thường là những người hay lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc. Trường hợp như thế chúng tôi gặp ngày càng nhiều, đó là nguồn lây lan nấm tai trong cộng đồng”.
Ráy tai chỉ là chất thải do tế bào da bị bong tróc. Tai có cơ chế làm sạch một cách tự nhiên nhờ hoạt động của hàm dưới. Khi nhai làm ống tai rung rinh, ráy tai từ bên trong di chuyển ra ngoài. Do vậy, bác sĩ Tài khuyến cáo, không nhất thiết phải thường xuyên lấy ráy tai, tránh lạm dụng tạo thành thói quen, nên tôn trọng sự làm sạch tự nhiên của cơ thể. Trường hợp bị ngứa hoặc nước vào tai sau khi tắm, dùng tăm bông sạch xoay nhẹ nhàng bên ngoài ống tai. Chỉ trừ những trường hợp đặc biệt do bệnh lý về ống tai, hoặc dị tật ống tai gây hẹp cản trở sự đào thải ráy tai ra ngoài tạo thành nút ráy tai, gây ngứa, khó chịu hoặc giảm thính lực thì nên đến bác sĩ chuyên khoa TMH để làm sạch tai. Ở tiệm cắt tóc thường hay cạo lông tai, điều này tuyệt đối không nên, vì lớp lông tơ trong ống tai có tác dụng cản trở nước, bụi bẩn hoặc côn trùng xâm nhập vào tai. Khi thấy ngứa nhiều, ù tai, chảy dịch bất thường nên đi khám chuyên khoa TMH để điều trị kịp thời, không tự mua thuốc uống hoặc nhỏ vào tai.
Duy Anh Thư