Ngày 1-1-2015, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực. Ông Nguyễn Tuân - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết:
Ngày 1-1-2015, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực. Ông Nguyễn Tuân - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết:
- So với Luật BHYT cũ, Luật Sửa đổi, bổ sung có nhiều nội dung mang tính đột phá mạnh mẽ, tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Một điểm mới quan trọng là quy định bắt buộc tham gia BHYT, và Luật đã quy định khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Theo đó, từ người thứ 2, 3, 4 trở đi, mức đóng sẽ giảm lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi mức đóng bằng 40% của người thứ nhất. Luật cũng bổ sung đối tượng đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT.
Về BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi: Luật quy định trẻ em ở độ tuổi này được quỹ BHYT chi trả điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ của mắt; trong trường hợp trẻ đủ 72 tháng mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT sẽ có giá trị đến ngày 31-9 của năm đó. Luật cũng bổ sung trách nhiệm của UBND xã trong việc lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT đồng thời với việc cấp giấy khai sinh cho trẻ.
Ngoài ra, Luật cũng tăng quyền lợi và mức hưởng BHYT như: Bỏ quy định cùng chi trả 5% với người nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% với thân nhân người có công là cha mẹ đẻ, hoặc vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân của người có công khác và người cận nghèo.
Luật cũng quy định: Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh (KCB) khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi KCB). Luật còn bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Về mở thông tuyến KCB BHYT, Luật quy định các mốc thời gian cụ thể như: từ ngày 1-1-2016 mở thông tuyến xã, huyện trên cùng địa bàn tỉnh cho người tham gia BHYT. Với người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo có cơ chế được mở thông tuyến KCB từ xã, huyện, tỉnh lên Trung ương trên phạm vi cả nước. Từ ngày 1-1-2021, mở thông tuyến tỉnh trên toàn quốc và nâng mức hưởng đối với người tham gia BHYT tự đi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và Trung ương. Ngoài ra, từ ngày 1-1-2015, trường hợp tự đi KCB tại bệnh viện tuyến huyện sẽ được quỹ BHYT chi trả 70% chi phí KCB; đến năm 2016, sẽ được chi trả 100% chi phí KCB trong cùng địa bàn tỉnh; tại bệnh viện tuyến tỉnh, quỹ BHYT chi trả 60% chi phí điều trị nội trú và đến ngày 1-1-2021 là 100%; tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.
- Ông có thể cho biết quy định chuyển tuyến tại các cơ sở KCB ở tỉnh Khánh Hòa?
- Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở KCB BHYT có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở KCB BHYT khác theo quy định tại Thông tư số 14 ngày 14-4-2014 của Bộ Y tế.
Cụ thể, đối tượng KCB BHYT ban đầu tại các trạm y tế xã, phường nếu danh mục kỹ thuật (được Sở Y tế phê duyệt) tại phòng khám đa khoa khu vực không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì được phép chuyển tuyến đến trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị xã. Riêng TP. Nha Trang được phép chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh hoặc Bệnh viện Quân y 87; TP. Cam Ranh được phép chuyển tuyến đến BVĐK khu vực Cam Ranh. Tương tự, bệnh nhân KCB BHYT tại BVĐK khu vực Ninh Diêm, khi vượt khả năng điều trị được chuyển viện đến BVĐK khu vực Ninh Hòa hoặc BVĐK tỉnh; tại TTYT huyện Vạn Ninh được chuyển viện đến BVĐK khu vực Ninh Hòa hoặc BVĐK tỉnh. Bệnh nhân KCB tại TTYT TP. Cam Ranh, được chuyển viện đến BVĐK khu vực Cam Ranh; tại TTYT huyện Khánh Sơn được chuyển viện đến BVĐK khu vực Cam Ranh hoặc BVĐK tỉnh.
- Còn việc chuyển tuyến điều trị giữa các cơ sở KCB ở những địa bàn giáp ranh trong tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Đối với các khu vực giáp ranh huyện Cam Lâm: Đối tượng đăng ký KCB BHYT ban đầu tại Trạm Y tế xã Cam Phước Tây, khi vượt khả năng điều trị được phép chuyển viện đến Phòng khám Đa khoa khu vực Cam An Nam hoặc BVĐK khu vực Cam Ranh. Đối tượng KCB BHYT tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cam An Nam, khi vượt khả năng điều trị được phép chuyển viện đến BVĐK khu vực Cam Ranh. Đối tượng KCB BHYT tại Phòng khám Đa khoa khu vực Suối Tân, khi vượt khả năng điều trị được phép chuyển viện đến TTYT Diên Khánh hoặc BVĐK tỉnh. Đối tượng KCB BHYT là trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn huyện Cam Lâm được phép chuyển viện đến BVĐK khu vực Cam Ranh hoặc BVĐK tỉnh.
Tại thị xã Ninh Hòa: Đối tượng đăng ký KCB BHYT ban đầu tại Trạm Y tế xã Ninh Vân, khi vượt khả năng điều trị được chuyển viện đến Bệnh viện Quân y 87 hoặc BVĐK tỉnh. Đối tượng KCB BHYT là trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn thị xã Ninh Hòa được phép chuyển viện đến BVĐK khu vực Ninh Hòa hoặc BVĐK tỉnh.
Huyện Khánh Vĩnh: Đối tượng đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các trạm y tế xã phía Bắc Khánh Vĩnh, giáp ranh với huyện Diên Khánh, khi vượt khả năng điều trị được phép chuyển viện đến TTYT huyện Diên Khánh hoặc BVĐK tỉnh. Đối tượng KCB BHYT là trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh được phép chuyển viện đến BVĐK tỉnh.
Huyện Khánh Sơn: Đối tượng đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các trạm y tế xã giáp ranh với TP. Cam Ranh, khi vượt khả năng điều trị được phép chuyển viện đến BVĐK khu vực Cam Ranh hoặc BVĐK tỉnh. Đối tượng KCB BHYT là trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn huyện Khánh Sơn được phép chuyển viện đến BVĐK khu vực Cam Ranh hoặc BVĐK tỉnh.
TP. Nha Trang: Đối tượng KCB BHYT là trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn TP. Nha Trang được phép chuyển viện đến BVĐK tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
THẢO LY (Thực hiện)