Năm 2014, người dân đã bắt đầu có ý thức chi trả một phần chi phí cho việc sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
Năm 2014, người dân đã bắt đầu có ý thức chi trả một phần chi phí cho việc sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
Người dân nghe tư vấn lựa chọn phương tiện tránh thai phù hợp |
Kết quả đạt cao
Năm 2014, chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai (PTTT) tiếp tục được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh triển khai tại 6/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với 112 xã thuộc vùng đồng bằng. Riêng 20 xã thuộc huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, huyện đảo Trường Sa và các xã miền núi, hải đảo thuộc huyện đồng bằng tiếp tục được cấp miễn phí 100% từ Chương trình mục tiêu quốc gia.
PTTT thực hiện theo chương trình tiếp thị gồm bao cao su và viên uống tránh thai. Đặc biệt năm nay, có triển khai tiếp thị thí điểm vòng tránh thai nhãn hiệu Silk. Nhờ sự trợ giá của Nhà nước nên PTTT bán ra đảm bảo chất lượng, giá rẻ hơn so với thị trường. Ngoài điểm tiếp thị xã hội trực tiếp tại Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cán bộ chuyên trách dân số còn tổ chức bán lẻ tại các trạm y tế; đồng thời phối hợp với công đoàn, chính quyền các địa phương truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, mở rộng hệ thống tiếp thị bán lẻ trong các doanh nghiệp, nhà máy và khu công nghiệp. Chính vì vậy, kết quả thực hiện đạt tỷ lệ khá cao. Bao cao su bán lẻ được hơn 226.000 chiếc, đạt 94,2% kế hoạch; viên uống tránh thai bán được hơn 84.000 vỉ, đạt 96,2% kế hoạch; vòng tránh thai Silk bán thí điểm được 1.500 chiếc, đạt 100% số lượng cung cấp.
Theo đánh giá của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, chương trình tiếp thị các PTTT năm nay có 2/6 địa phương thực hiện đạt 100% kế hoạch là Vạn Ninh và Cam Lâm. Các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm tiếp thị xã hội bao cao su đạt từ trên 90% đến 166,6% kế hoạch. Viên uống tránh thai thực hiện khá đồng đều tại các địa phương, đạt trên 81% trở lên. So với kết quả năm đầu tiên thực hiện chương trình này thì đây là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Vẫn còn khó khăn
Theo bà Huỳnh Thị Hiên - Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, sau hơn 2 năm nỗ lực tuyên truyền, tiếp thị tận tay, một bộ phận người dân đã hiểu được lợi ích của việc dùng PTTT tiếp thị có trợ giá một phần của Nhà nước. Vì thế họ đã tự giác chi trả một phần kinh phí khi tiếp nhận dịch vụ.
Tuy nhiên, hiện nay chương trình tiếp thị xã hội các PTTT còn gặp một số khó khăn do chương trình phòng, chống HIV/AIDS hiện vẫn cung cấp miễn phí số lượng khá lớn bao cao su. Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách cũng như quảng bá PTTT tiếp thị xã hội rất hạn chế về kinh phí, trong khi các địa phương vẫn chưa có kinh phí để tăng cường các hoạt động truyền thông. Các đầu mối bán lẻ tại các nhà thuốc, nhà trọ hiện rất khó tiếp cận vì đã có nguồn cung ứng ổn định từ trước với nhiều chủng loại PTTT nhãn hiệu khác nhau, giá cả linh hoạt. Nguồn cung ứng PTTT không thường xuyên nên ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ...
Tiếp thị xã hội các PTTT được Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện 2 chương trình song song. Một là truyền thông, cấp phát PTTT miễn phí 100% cho người nghèo, đối tượng khó tiếp cận, nhất là người dân ở vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Hai là tiếp thị xã hội, người dân cùng với Nhà nước chi trả một phần kinh phí cho PTTT mà họ sử dụng. Chương trình 2 được thực hiện rộng rãi bắt đầu từ tháng 6-2012. |
Từ thực tế trên, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh kiến nghị, Bộ Y tế cần có chủ trương, hướng dẫn xã hội hóa về chương trình DS-KHHGĐ để các chi cục có cơ sở triển khai; tăng cường tuyên truyền, quảng bá chương trình tiếp thị xã hội các PTTT trên các kênh truyền thông đại chúng; đào tạo và trang bị kỹ năng cơ bản về tiếp thị xã hội cho mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên và quản lý điều phối chương trình. “Đặc biệt, nên mở rộng tiếp thị xã hội các PTTT như: Tiêm tránh thai, cấy tránh thai, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng” - bà Hiên nói.
Tại địa phương, để tiếp tục thực hiện tốt chương trình tiếp thị xã hội các PTTT trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ chỉ đạo, các Trung tâm DS-KHHGĐ tiếp tục lồng ghép các hoạt động truyền thông dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ với quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tư vấn sử dụng các PTTT tiếp thị xã hội thông qua các kênh truyền thông tại cơ sở. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát các cơ sở, đảm bảo thực hiện tiếp thị xã hội PTTT đúng quy trình, đối tượng.
Lưu Khánh