10:01, 04/01/2015

Cảnh giác với răng mọc lệch, mọc ngầm

Lâu nay, nhiều người chỉ mới quan tâm đến vấn đề sâu răng, viêm nướu, nắn chỉnh răng… mà ít quan tâm tới tình trạng răng mọc lệch, mọc ngầm. Trong khi đó, tình trạng này rất phổ biến và có nguy cơ gây ra những biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người bệnh

Lâu nay, nhiều người chỉ mới quan tâm đến vấn đề sâu răng, viêm nướu, nắn chỉnh răng… mà ít quan tâm tới tình trạng răng mọc lệch, mọc ngầm. Trong khi đó, tình trạng này rất phổ biến và có nguy cơ gây ra những biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người bệnh

 

Bác sĩ Trang Vân khám cho bệnh nhân Q. sau khi nhổ răng lệch.
Bác sĩ Trang Vân khám cho bệnh nhân Q. sau khi nhổ răng lệch


Biến chứng nguy hiểm


Bệnh nhân (BN) M.T.N.Q., 22 tuổi ở phường Cam Lợi, TP. Cam Ranh đến khám tại Khoa Răng - Hàm - Mặt (RHM), Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng bị rò dịch mủ ở hàm trên và thường xuyên đau nhức ở răng trong cùng. Sau khi chụp XQ, bác sĩ nhận định, BN có chiếc răng mọc ngầm nằm ngang đâm ra các răng xung quanh. Tình trạng răng mọc ngầm biến chứng này gây nang xương hàm trên và nhiễm trùng quanh chóp răng cửa. BN được chỉ định phẫu thuật để lấy răng ngầm và phải nhổ luôn một răng cửa. Bên cạnh đó, trên phim XQ còn cho thấy, 2 răng số 8 hàm dưới của BN cũng mọc lệch, đâm nghiêng vào răng số 7 là răng có chức năng nhai chính, gây sâu và xô lệch răng này. Đây chính là nguyên nhân làm cho tình trạng đau nhức kéo dài.


BN N.V.N., 68 tuổi ở phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang cũng điều trị tại Khoa RHM liên quan đến biến chứng nặng ở răng nanh số 3 mọc lệch. Sau khi nhổ răng lệch, bác sĩ phát hiện một lỗ dịch rò trổ ra trên vùng da mặt. BN phải nằm viện lâu ngày do sưng đau cả vùng mặt bên trái, không ăn được nên phải truyền dịch. BN N. cho biết: “Trước đây, thỉnh thoảng ăn cơm tôi thấy đau. Mỗi lần như vậy, tôi tự mua thuốc giảm đau uống thấy hết nên không đi khám. Gần đây cũng mua uống nhưng không hết. Do chủ quan để lâu nên mới biến chứng như thế này”.


Tại Khoa RHM, trung bình mỗi ngày có khoảng 2 đến 3 BN đến khám do biến chứng răng ngầm, răng lệch. Tỷ lệ gây biến chứng nhiều nhất là ở vị trí răng số 8. Tháng 6-2014, Khoa RHM có thực hiện đề tài nghiên cứu “Tình trạng tai biến mọc răng khôn và cách xử trí”. Sau 6 tháng đề tài kết thúc, tính riêng biến chứng răng khôn có 124 BN đến khám và điều trị tại khoa. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trang Vân, người thực hiện đề tài nghiên cứu cho biết: Biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng gây viêm nướu, đau nhức, ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn, nhai của người bệnh. Biến chứng nặng là gây sâu, xô đẩy làm lung lay hoặc nhiễm trùng chóp, tiêu xương những răng xung quanh. Nguy hiểm hơn có thể gây u, nang trong xương hàm, gây phá hủy xương hàm. Nhưng nặng nhất là biến chứng nhiễm trùng huyết rất nguy hiểm đối với tính mạng người bệnh. Khoa có tiếp nhận 1 trường hợp bị nhiễm trùng huyết, khít hàm do biến chứng răng khôn mọc lệch. Vì thế Khoa phải chuyển BN sang Khoa Nội điều trị rồi mới nhổ răng được. “Dù sớm hay muộn thì phần lớn những răng mọc lệch, mọc ngầm đều gây ra biến chứng. Thế nhưng, đa số BN chưa quan tâm đến việc điều trị dự phòng răng lệch, răng ngầm, chỉ khi biến chứng tái đi, tái lại nhiều lần mới đến khám. Những trường hợp biến chứng nặng thường khó điều trị và phải điều trị lâu dài” -  bác sĩ Vân nhấn mạnh.


Điều trị dự phòng


Răng mọc càng trễ, nguy cơ mọc lệch, mọc ngầm càng cao. Về sinh lý, răng khôn mọc trễ nhất so với các răng khác (khoảng 18 - 25 tuổi). Lúc đó, các răng khác đã chiếm hết khoảng không gian trên cung hàm, nên răng khôn không đủ chỗ để mọc, dẫn đến mọc lệch, mọc ngầm hoặc trùm nướu một phần. Điều này lý giải vì sao răng khôn thường gây biến chứng nhiều hơn các răng khác. Sau răng khôn là răng nanh cũng thường mọc trễ nên dễ gây mọc  lệch, mọc ngầm.


Theo bác sĩ Vân, răng khôn không có chức năng ăn, nhai (răng nằm trong cùng thức ăn không vào sâu được, thường mọc lệch, ngầm nên không khớp với răng hàm trên), lại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra biến chứng rất cao. Cho nên, mỗi người sau 18 - 25 tuổi không thấy răng khôn xuất hiện trên cung hàm thì nên đi khám để phát hiện biến chứng và xử trí triệt để. Răng khôn mọc lệch 450 hoặc 900 sẽ đâm vào răng số 7, gây xô lệch răng này. Những trường hợp đó sẽ gây nhồi nhét thức ăn ở khoảng trống lệch giữa 2 răng. Đây là một trong những nguyên nhân làm hơi thở có mùi. Do vậy, nhổ răng khôn khi mọc lệch, mọc ngầm là biện pháp bảo vệ răng số 7 - răng đảm nhận chức năng chính trong việc ăn, nhai. Bên cạnh đó, những trường hợp răng khôn mọc thẳng nhưng bị nướu trùm do cung hàm không đủ chỗ, có thể can thiệp bằng thủ thuật cắt mô mềm. Tuy nhiên, cách điều trị này khả năng tái phát cao. Mô nướu có thể gây biến chứng trùm răng trở lại và gây viêm nướu. Do vậy, răng khôn mọc lệch, mọc ngầm hoặc trùm nướu vẫn được khuyến cáo nhổ bỏ cả khi chưa có biến chứng. Đây là cách điều trị dự phòng hiệu quả.


Thực tế, biến chứng của răng mọc ngầm, răng lệch gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Do đó, việc khám răng dự phòng cần được thực hiện từ khi còn nhỏ. Chăm sóc bộ răng sữa cho trẻ, tránh để răng sữa bị sâu, nhổ quá sớm khi chưa đến kỳ thay răng. Cần nhổ răng sữa đúng lúc để có chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên cũng là biện pháp phòng ngừa răng mọc ngầm, mọc lệch. Khi trẻ đến tuổi thay răng, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ, nhằm phát hiện sớm tình trạng răng sữa không lung lay nhưng đã mọc răng vĩnh viễn phía dưới. Trường hợp này được khuyến cáo nhổ sớm để làm trống chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên, nếu không sẽ gây tình trạng răng mọc lộn xộn trên cung răng, gây mất thẩm mỹ, khó vệ sinh răng miệng, dễ gây viêm răng và những biến chứng viêm răng, nướu về sau.


Duy Anh Thư