Tại hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điều trị tim mạch diễn ra mới đây, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa là điểm sáng trong việc tiếp nhận và triển khai thành công các kỹ thuật được chuyển giao.
Tại hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điều trị tim mạch diễn ra mới đây, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa là điểm sáng trong việc tiếp nhận và triển khai thành công các kỹ thuật được chuyển giao.
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật tim hở với sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Cứu sống nhiều bệnh nhân
Thời gian qua, BVĐK tỉnh đã thực hiện phẫu thuật hở thành công 18 ca mắc các bệnh lý về tim, trong đó có 13 ca mắc bệnh tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất, Fallot...), 4 ca bệnh tim mắc phải (sửa, thay van 2 lá, van động mạch chủ, van 3 lá), phẫu thuật 1 ca hở cấp cứu vết thương tim. Đối với tim mạch can thiệp, đã thực hiện hơn 5.700 ca. Trong đó: chụp động mạch vành hơn 2.870 ca, can thiệp động mạch vành hơn 1.580 ca, chụp động mạch ngoại vi 64 ca, đặt máy tạo nhịp 62 ca...; can thiệp tim bẩm sinh hơn 200 trẻ em. |
Đầu tháng 4-2014, Tổ Phẫu thuật tim (Khoa Ngoại Lồng ngực, BVĐK tỉnh) thực hiện ca phẫu thuật tim hở đầu tiên dưới sự giám sát của ê-kíp bác sĩ BV Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Bệnh nhân (BN) được phẫu thuật là Phùng Hoài Phong (18 tuổi, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm), bị mắc bệnh thông liên thất bẩm sinh. Sau hơn 5 giờ thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công. Đến nay, sức khỏe của BN rất tốt. BN Phong cho biết: “Tôi biết mình mắc bệnh tim bẩm sinh từ năm 7 tuổi, nhưng nhà nghèo, không có tiền vào TP. Hồ Chí Minh để phẫu thuật. Đầu năm 2014, trong đợt khám sàng lọc tại BVĐK tỉnh, theo chẩn đoán của bác sĩ, lỗ thông giữa hai tâm thất của tôi khá rộng, phải phẫu thuật mới không ảnh hưởng đến tính mạng. Sau khi được tư vấn, gia đình quyết định để tôi phẫu thuật tại BVĐK tỉnh. Sau phẫu thuật, tôi thấy sức khỏe mình tốt hơn trước”.
Cuối tháng 10-2014, ê-kíp thông tim can thiệp cho trẻ bị mắc bệnh tim bẩm sinh của BVĐK tỉnh đã thực hiện can thiệp thành công, điều trị dứt điểm đối với dị tật ở tim bằng phương pháp bít dù cho 13 trẻ mắc các bệnh lý tim bẩm sinh khó, trong đó có trẻ mới 5 ngày tuổi bị mắc bệnh hẹp van động mạch phổi bẩm sinh. Giữa tháng 12-2014, Khoa Tim mạch can thiệp BVĐK tỉnh tiếp nhận BN Trần Nhiều (39 tuổi, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) trong tình trạng toàn thân tím tái, nhịp tim 25 lần/phút, huyết áp bằng không. BN được chẩn đoán Bloc nhĩ thất độ 3 ở BN bị nhồi máu cơ tim cấp nặng, khả năng tử vong cao. Sau hội chẩn, ê-kíp bác sĩ của Khoa đã quyết định vừa đặt máy tạo nhịp tim tạm thời vừa thực hiện chụp mạch vành cấp cứu. Kết quả phát hiện có huyết khối gây tắc hoàn toàn động mạch vành phải, động mạch vành trái hẹp 90%. Ê-kíp bác sĩ nhanh chóng hút huyết khối và can thiệp đặt stent cấp cứu cho BN. Sau can thiệp, sức khỏe của BN hồi phục dần, huyết áp và nhịp tim trở lại bình thường. Sau 1 tuần điều trị tích cực, BN đã xuất viện.
Đây chỉ là 3 trong nhiều trường hợp mà ê-kíp bác sĩ BVĐK tỉnh đã cứu sống khi mắc các bệnh lý về tim mạch.
Tiếp nhận tốt kỹ thuật được chuyển giao
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế): Ngành Y tế Khánh Hòa cần tiếp tục duy trì và phát triển tốt hơn Đề án 1816 và Đề án BV vệ tinh. Bên cạnh đó, dựa trên nhu cầu điều trị, cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành tiếp tục đề xuất với Bộ Y tế và các BV tuyến trên chuyển giao những kỹ thuật mới phù hợp; nhanh chóng thiết lập hệ thống hội chẩn trực tuyến từ xa để nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị và góp phần giảm tải cho BV tuyến trên. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, bình quân mỗi năm có hơn 5.000 BN bị mắc các bệnh lý về tim mạch đến khám và điều trị tại BV, trong đó có khoảng 152 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh mới. Tuy nhiên, do chi phí cho một lần can thiệp, phẫu thuật tim còn khá cao, cộng với chi phí di chuyển, ăn ở khi phải vào TP. Hồ Chí Minh để phẫu thuật đã khiến nhiều BN có hoàn cảnh khó khăn không được phẫu thuật, can thiệp. Chính vì thế, yêu cầu phát triển chuyên ngành tim mạch tại BV để điều trị cho người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận là cấp bách và cần thiết.
Năm 2009, thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, BVĐK tỉnh bắt đầu tiếp nhận các kỹ thuật tim mạch can thiệp từ BV Chợ Rẫy. Năm 2011, BV tiếp tục tiếp nhận các kỹ thuật điều trị bệnh lý tim bẩm sinh cho trẻ em từ BV Nhi Đồng 1. Năm 2013, thực hiện Đề án BV vệ tinh, BV Chợ Rẫy đã chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim hở cho BVĐK tỉnh. Qua thời gian vừa đào tạo vừa chuyển giao, ê-kíp bác sĩ BVĐK tỉnh đã tiếp nhận và triển khai tốt các kỹ thuật này. Các chuyên gia đầu ngành của BV Chợ Rẫy và BV Nhi Đồng 1 đều khẳng định, ê-kíp bác sĩ của BVĐK tỉnh đã làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật được chuyển giao trong điều trị về bệnh lý tim mạch. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thành Nhân - Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp BV Chợ Rẫy chia sẻ: “Với số ca điều trị thành công, bình quân mỗi năm, BVĐK tỉnh Khánh Hòa đã góp phần giảm tải khoảng 20% số BN đến điều trị về bệnh lý tim mạch tại BV Chợ Rẫy. Giai đoạn 2, chúng tôi sẽ chuyển giao cho BVĐK tỉnh những kỹ thuật mới, khó, phức tạp hơn trong điều trị về bệnh lý tim mạch như: siêu âm trong lòng mạch vành, khoan lòng mạch vành, đo phân suất tấn máu, tắt mãn tính, tổn thương phân nhánh, đặt máy phá rung...”.
T.L