09:01, 19/01/2015

Bệnh về da tăng cao trong mùa lạnh

Mùa đông, tiết trời lạnh và hanh khô gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho làn da, làm cho da trở nên khô ráp, dễ bị kích ứng. Nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách dễ dẫn đến các bệnh về da.

Mùa đông, tiết trời lạnh và hanh khô gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho làn da, làm cho da trở nên khô ráp, dễ bị kích ứng. Nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách dễ dẫn đến các bệnh về da.

 

Bác sĩ Thủy khám bệnh cho bệnh nhân tại phòng khám, Bệnh viện Chuyên khoa Da liễu.
Bác sĩ Thủy khám bệnh cho bệnh nhân tại phòng khám, Bệnh viện Chuyên khoa Da liễu.


Tỷ lệ mắc và tái phát cao


Hiện nay, số lượng bệnh nhân (BN) đến khám tại Bệnh viện Chuyên khoa (BVCK) Da liễu Khánh Hòa tăng lên rất nhiều. BN Nguyễn Thị Kim Thi (sinh viên Trường Đại học Nha Trang) bị bệnh chàm da mãn tính cho biết: cứ sang mùa lạnh, tay và chân thường xuyên bị ngứa, bong da, đau nhức. Tình trạng này kéo dài suốt mùa đông, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe. Từ đầu mùa lạnh đến nay Thi phải đi khám nhiều lần do bệnh tái đi tái lại.


Em Ngô Trần Yến Nhi (10 tuổi, ở phường Phương Sài, TP. Nha Trang) là một trường hợp có cơ địa dị ứng. Mùa đông, tiết trời lạnh, bệnh lại tái phát. Mẹ Yến Nhi kể: Cháu hay sợ lạnh nên thường xuyên tắm bằng nước nóng. Da ngày càng khô, sau đó ngứa, đỏ, nứt nẻ, bong tróc ở tay và chân. Mùa lạnh tình trạng này kéo dài, uống thuốc liên tục, chỉ ngưng thuốc vài ngày là tái lại ngay.


Còn BN Huỳnh Thị Hoa (58 tuổi, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) lại là một trường hợp biến chứng nặng, do tự điều trị dị ứng theo kinh nghiệm dân gian. Bà Hoa cho biết: bà đã bị ngứa cách đây khoảng 3 năm, cứ đến mùa lạnh lại ngứa nhiều hơn. Từ đó đến nay, bà chưa hề đi khám, mỗi lần bộc phát cơn ngứa, bà tự mua thuốc uống. Gần đây, bà bị ngứa và đau nhức ở cổ, theo lời mách của một người quen, bà lấy lá rừng giã nát đắp lên vùng bị ngứa dù không biết đó là loại lá gì. Hậu quả là vùng da nơi đắp lá bị tấy đỏ, phồng rộp, lở loét từ cổ lan xuống cả vùng vai. “Bác sĩ chẩn đoán ban đầu chỉ là dị ứng nhưng điều trị không đúng dẫn đến nhiễm trùng nặng” - bà Hoa nói.
Chăm sóc da đúng cách để phòng bệnh

 

Theo thống kê tại Phòng Khám BVCK Da liễu, tháng 11-2014, số BN tới khám hơn 2.750 lượt. Sang tháng 12-2014, số lượt BN tăng lên 3.400 lượt. Trong số các bệnh lý về da, dị ứng bị ảnh hưởng nhiều bởi tiết trời lạnh. Chính vì vậy, BN dị ứng chiếm số lượng cao nhất với gần 2.700 ca trong tổng số lượt BN nói trên. Tỷ lệ này chiếm 45%, còn trước mùa lạnh, số lượng BN dị ứng chỉ từ 20 đến 25%. Trong 10 ngày đầu tháng 1-2015, số BN dị ứng gần 500/850 lượt BN đến khám.

Theo bác sĩ Nguyễn Vân Thủy, phụ trách Khoa Khám, BVCK Da liễu: về mùa lạnh, các tuyến bã nhờn ít hoạt động. Nhiệt độ và độ ẩm giảm thấp, hanh khô, làm da bị mất nước, khô ráp, mất lớp màng bảo vệ ngoài da. Khi đó, da rất dễ bị tổn hại, kích ứng với các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, vi nấm và cả sự hanh khô của thời tiết. Nếu nhẹ có thể làm da khô, sần, nứt nẻ, bong tróc rất đau, nặng gây viêm da tiếp xúc (tiếp xúc với vi khuẩn, vi nấm hoặc các loại xà phòng, hóa chất tẩy rửa hàng ngày). Đặc biệt mùa lạnh, tình trạng ngứa do dị ứng thời tiết, do chàm và nấm ngoài da bộc phát. Các bệnh mãn tính như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã cũng nặng lên trong mùa này.

 

Sai lầm thường gặp của người bệnh là vào mùa lạnh, nhiều người tắm, rửa bằng nước quá nóng, kể cả khi da khô nứt nẻ cũng ngâm nước nóng. Tuy nhiên, càng sử dụng nước nóng càng kích thích khô da, vì nước nóng làm nở các lỗ chân lông, hơi nóng của nước hút độ ẩm, bã nhờn trên da, để lại lớp biểu bì không có độ ẩm bảo vệ. Nhiều người lại sử dụng một số loại dầu thực vật bôi lên, có thể nồng độ dầu không thích hợp hoặc bảo quản không tốt, dẫn đến nhiễm trùng. Không ít trường hợp nổi mề đay do gió lạnh lại không đi khám mà tắm lá, đắp lá, dẫn đến dị ứng, nhiễm trùng rất nguy hiểm hoặc lấy rượu, chanh chà xát gây tổn thương da nặng nề.


Trước thực tế đó, bác sĩ Thủy khuyến cáo, trong mùa lạnh cần chú ý chăm sóc da hàng ngày bằng việc giữ ấm để phòng dị ứng do thời tiết, đặc biệt là khi đi ra ngoài. Uống đủ nước (1,5 - 2 lít/ngày) vì cấu trúc da chứa tới 70% là nước, chỉ cần mất 3% nước của lớp sừng biểu bì bên ngoài sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ cấu trúc da. Bên cạnh đó, nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm, đặc biệt là khi da khô, tạo độ ẩm ướt mềm mại cho da. Mùa lạnh vẫn cần bôi kem chống nắng khi đi ra nắng. Đồng thời, tăng cường rau, củ, quả nhằm bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết; tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá... Những thứ đó làm da mất nước nhiều hơn. Khi tắm, rửa chỉ dùng nước ấm, không dùng nước quá nóng; nên dùng sữa tắm phù hợp có chất dưỡng ẩm cho da. Với người có làn da nhạy cảm, khô ráp, nứt nẻ không nên dùng xà phòng. Vào mùa lạnh có thể bổ sung các loại vitamin B, C, E... tổng hợp bằng đường uống. Khi xảy ra vấn đề về da nên đi khám để có sự chỉ định điều trị phù hợp với mức độ bệnh, không nên sử dụng các biện pháp dân gian, vì có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, trở thành bệnh chàm mãn tính khó chữa trị.


Duy Anh Thư