01:11, 10/11/2014

Thận trọng khi sử dụng thuốc paracetamol

Paracetamol (acetaminophen) là loại thuốc rất phổ biến, thường được mọi người sử dụng trong các trường hợp hạ sốt, giảm đau. Tuy vậy, nếu sử dụng một cách tùy tiện sẽ có nguy cơ xảy ra các biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Paracetamol (acetaminophen) là loại thuốc rất phổ biến, thường được mọi người sử dụng trong các trường hợp hạ sốt, giảm đau. Tuy vậy, nếu sử dụng một cách tùy tiện sẽ có nguy cơ xảy ra các biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.


Đặc điểm và tác dụng phụ của paracetamol


Paracetamol có hai đặc điểm cần lưu ý, đó là có nhiều thuốc hoặc nhiều biệt dược dù tên gọi khác nhau (tidol, panadol...) nhưng có chứa cùng một dược chất là paracetamol. Thứ hai, có nhiều biệt dược không chỉ chứa đơn chất paracetamol mà còn kết hợp với nhiều dược chất khác để tăng hiệu quả điều trị hoặc dễ uống (viên sủi). Vì vậy, viên sủi cần được lưu ý với những người tăng huyết áp, bởi trong đó có chứa chất làm co mạch, gây gia tăng huyết áp; hoặc thuốc kết hợp với kháng histamin sẽ gây buồn ngủ, rất nguy hiểm khi phải vận hành máy móc, tàu xe.


Paracetamol được xem là loại thuốc tương đối an toàn (nếu dùng đúng liều chỉ định) so với các thuốc cùng nhóm như aspirin. Tuy nhiên, paracetamol lại rất nguy hiểm là gây ngộ độc cho gan khi dùng liều cao, kéo dài. Khi vào cơ thể, paracetamol sẽ được hấp thu vào máu và chuyển hóa qua gan thành nhiều chất, trong đó có một chất rất độc cho gan đó là N-acetylbenzoquinonimin. Vì vậy, khi dùng paracetamol liều cao hoặc khi chức năng gan suy giảm thì có thể dẫn đến nhiễm độc gan, hoại tử tế bào gan. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai nếu dùng quá liều paracetamol có thể gây độc cho thai nhi, vì thuốc này dễ dàng truyền qua nhau thai. Ngoài ra, nếu sử dụng paracetamol lâu dài, đặc biệt đối với người cao tuổi, thuốc có thể gây mệt mỏi, vì nó làm mất đi phân tử hemoglobin trong tế bào hồng cầu mang oxy...


Đặc biệt, ngộ độc cấp paracetamol thường xảy ra ở trẻ em, thể hiện khi trẻ dùng quá liều như: đau bụng, nôn mửa, mặt xanh tái, khó thở... cần cấp cứu kịp thời nếu không sẽ rất nguy hiểm. Đối với người lớn, ngộ độc cấp xảy ra ít hơn, chủ yếu ngộ độc trường diễn, đặc biệt đối với người có bệnh gan, nghiện rượu, sốt rét và các dấu hiệu ngộ độc cũng tương tự như ở trẻ em, nhưng đôi khi không rõ rệt.


Làm thế nào để sử dụng paracetamol an toàn?


Cần hạn chế đến mức tối đa dùng paracetamol. Khi sốt cao, trước hết hãy chườm mát, nếu thấy không giảm nhiệt mới dùng paracetamol. Tuy vậy, không được dùng paracetamol quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Trong các trường hợp đau đầu, đau răng, đau khớp, đau do ngã, chấn thương... bắt buộc phải uống paracetamol thì phải dùng thuốc cách nhau tối thiểu 4 giờ. Liều dùng cho người lớn không quá 10mg/kg cân nặng và trẻ em không quá 5mg/kg cân nặng cho mỗi lần dùng. Khi dùng thuốc không uống bia, rượu và các loại thuốc có nguy cơ độc hại cho gan (thuốc chữa lao) vì sẽ làm tăng độc tính của paracetamol.


B.N (Theo suckhoedoisong.vn)