01:11, 04/11/2014

Chủ động công tác phòng, chống Ebola

Đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm vi rút Ebola. Tuy nhiên, không chủ quan với dịch bệnh này, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã có các bước chuẩn bị để đối phó khi dịch xảy ra.

Đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm vi rút Ebola. Tuy nhiên, không chủ quan với dịch bệnh này, ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã có các bước chuẩn bị để đối phó khi dịch xảy ra.


Chủ động lên kế hoạch phòng, chống

 

Giữa tháng 8, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo và phân công nhiệm vụ cho từng khoa, phòng của BV về việc triển khai kế hoạch phòng, chống dịch Ebola. Theo đó, các khoa lâm sàng khi có ca bệnh nghi ngờ nhiễm Ebola phải thực hiện cách ly và giám sát, đồng thời báo cho Phòng Kế hoạch tổng hợp để phối hợp kịp thời với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ chuyên môn. “Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày vào khám và điều trị tại BV đều phải được giám sát chặt chẽ và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. BV đã chuẩn bị vị trí đậu xe, bảng hướng dẫn lối di chuyển bệnh nhân (BN) nghi ngờ hoặc mắc bệnh Ebola do các tuyến dưới chuyển đến” - bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết.

 

 


Tại BVĐK khu vực Cam Ranh, ngay tại Khoa Khám - Nội tổng hợp đã có sơ đồ hướng dẫn cụ thể lối đi khu vực khám, cách ly BN nghi ngờ nhiễm Ebola. Ngoài ra, BV đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế của BV về các hướng dẫn của Bộ Y tế trong chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Ebola; công tác vệ sinh môi trường, quản lý chất thải của người bệnh; phân công nhiệm vụ cho từng khoa, phòng khi phát hiện có ca mắc... Bên cạnh các hoạt động trên, trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Ebola của BVĐK khu vực Ninh Hòa còn có các biện pháp phòng, chống ở 3 tình huống, đó là khi chưa ghi nhận ca bệnh tại địa phương, xuất hiện ca bệnh xác định và khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

 

Kiểm tra trang thiết bị y tế tại phòng cách ly tạm thời của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh.
Kiểm tra trang thiết bị y tế tại phòng cách ly tạm thời của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh.


Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola, Sở Y tế đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh này trên toàn tỉnh.


Bác sĩ Lê Tấn Phùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết, qua kiểm tra, các đơn vị đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Ebola cũng như ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người, cộng đồng và toàn xã hội. Các BVĐK tuyến tỉnh đã lập kế hoạch để phòng, chống dịch bệnh này như: thành lập khu cách ly, tập huấn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Ebola, giám sát và phòng lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này. Riêng Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã chủ động phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tổ chức thực hiện tờ khai y tế đối với các hành khách có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện sốt, đồng thời tổ chức tập huấn phòng, chống lây nhiễm bệnh do vi rút Ebola cho phòng y tế và cán bộ nhân viên của Cảng.


Còn khó khăn


Tuy nhiên, qua kiểm tra, kế hoạch phòng, chống của các đơn vị, có nhiều điểm vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là trong công tác tổ chức phối hợp và triển khai các hoạt động chuẩn bị đối phó với dịch. Cụ thể, tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, công tác chuẩn bị các trang phục phòng hộ cá nhân, hoạt chất khử khuẩn và vệ sinh môi trường, thiết lập phòng cách ly tạm thời cho hành khách nghi ngờ... chưa được quan tâm đúng mức. Một số nội dung trong kế hoạch phòng, chống của các BV chưa cụ thể và hoàn chỉnh như: công tác vệ sinh môi trường, xử lý bệnh phẩm, tử thi, quy trình lấy mẫu và vận chuyển mẫu... Vấn đề mấu chốt trong việc phòng ngừa lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là khu vực cách ly BN mắc Ebola hoặc người tiếp xúc có biểu hiện mắc Ebola. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy BVĐK khu vực Cam Ranh hiện chưa bố trí được khu vực cách ly. Khu vực cách ly của BVĐK tỉnh và Ninh Hòa chưa đầy đủ trang thiết bị. Một khó khăn khác là phương tiện phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế và các đối tượng nguy cơ cao ở các BV còn hạn chế. Nếu có BN nhiễm Ebola, cơ số hiện tại có thể sẽ không đáp ứng đủ. Bên cạnh đó, việc thu thập các thông tin liên quan đến người tiếp xúc, thời gian tiếp xúc, quản lý người tiếp xúc với BN Ebola cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Điều này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành, đơn vị khác nhau, khả năng quá tải có thể xảy ra đối với cán bộ y tế khi phải quản lý nhiều đối tượng khác nhau trên một địa bàn rộng lớn.


“Sở Y tế đã có Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Ebola và đã trình UBND tỉnh. Các biện pháp nhằm phát hiện, phòng ngừa lây nhiễm, chẩn đoán và điều trị, vệ sinh môi trường đã được Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho toàn ngành, kể cả các BV tư nhân và các BV ngành trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động này tại các BV tuyến huyện, đồng thời chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch bổ sung để tổng hợp trình UBND tỉnh” - bác sĩ Phùng cho biết.


THẢO LY

 



Bác sĩ Lê Tấn Phùng: Người dân không nên hoảng hốt hoặc quá lo sợ với căn bệnh này. Do vi rút Ebola lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp, cho nên để phòng, chống người dân cần tránh tiếp xúc gần (dưới 1m) với những người nghi nhiễm Ebola hoặc đã bị nhiễm Ebola, chú trọng vào những người đến từ các nước Tây Phi, những vùng có dịch và có các biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cổ. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, bảo vệ những vùng da bị trầy xước, niêm mạc (mắt, mũi, miệng), mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, vệ sinh môi trường nhà cửa là biện pháp thông thường và hiệu quả trong việc phòng ngừa và chống lây lan căn bệnh này.