12:10, 13/10/2014

Ung thư vú và cổ tử cung: Biết sớm, trị lành

Ung thư vú và cổ tử cung là 2 bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Nếu phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi chiếm hơn 90%. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân (BN) đến nhập viện điều trị đều ở giai đoạn muộn.

Ung thư vú và cổ tử cung là 2 bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Nếu phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi chiếm hơn 90%. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân (BN) đến nhập viện điều trị đều ở giai đoạn muộn.


Bệnh nhân ung thư ngày càng tăng


Những năm gần đây, tại Khoa Y học hạt nhân và Ung bướu (YHHN-UB) Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, số lượng BN bị ung thư nhập viện điều trị khá đông. 11 phòng với 80 giường bệnh đều chật kín BN, có lúc BN phải nằm ở hành lang vì thiếu giường. Bác sĩ Quách Văn Hiển - Trưởng khoa YHHN-UB cho biết, trong số các BN ung thư điều trị tại đây, BN ung thư vú và cổ tử cung chiếm khá nhiều. 65 - 75% BN đến BV khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, thường đã di căn nên rất khó điều trị.


Cho chúng tôi xem ngực bên trái bị biến dạng nặng do sự tàn phá của các tế bào ung thư, chị M.T.X. (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) kể, chị mắc căn bệnh này đã 6 năm. Thời gian đầu không có triệu chứng gì, lâu lâu thấy ngực hơi nhức và đau nhưng chị chủ quan, không đi khám. Mấy tháng sau, khi ngực của chị ngày càng sưng to, căng phồng như quả bóng, đau nhức không chịu được nữa, chị mới đến BV huyện Khánh Sơn khám, sau đó được chuyển đến BVĐK tỉnh. Tại đây, chị được chẩn đoán bị mắc ung thư vú giai đoạn cuối.

 

Bệnh nhân ung thư vú đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân ung thư vú đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Tương tự, chị T.T.T. (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) nhập viện điều trị tại Khoa YHHN-UB trong tình trạng ngực phía bên trái bị sưng to, núm vú bị hoại tử và mưng mủ. Chị được chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn. Chị T. biết mình mắc căn bệnh này hơn 1 năm, nhưng do nghe con và hàng xóm cho rằng, bệnh này mà để dao kéo đụng vào là không hết bệnh, ngày càng nặng thêm. Vì vậy, chị ở nhà hái lá rừng, uống thuốc do các thầy cúng đưa với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”. Đến khi bệnh trở nặng, không chịu nổi sự đau đớn, chị mới nhập viện điều trị.


Ít chịu tầm soát


Trong buổi hội thảo chuyên đề về ung thư vú và cổ tử cung do BVĐK Tâm Trí Nha Trang tổ chức vào ngày 11-10, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Đăng Hùng - Giám đốc Trung tâm Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cho biết, ung thư vú và cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Tỷ lệ tử vong do 2 căn bệnh này gây ra ngày càng tăng và đáng báo động. Lý do dẫn đến tỷ lệ mắc cao là do phụ nữ ít tham gia khám phụ khoa và khám vú định kỳ để được tầm soát ung thư. Bên cạnh đó, các chương trình tầm soát cũng chưa được bao phủ rộng, ý thức phòng bệnh ở phụ nữ còn hạn chế.  


Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,4 triệu trường hợp mắc mới ung thư vú, hơn 530.200 trường hợp mắc mới ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, số người mắc mới ung thư vú gần 14.000 người, hơn 5.000 trường hợp ung thư cổ tử cung. Trong đó, gần 2.000 ca chết vì căn bệnh này. Vấn đề đáng quan tâm là có đến 70% trường hợp phụ nữ đến BV điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, khó điều trị.

 

BVĐK Tâm Trí Nha Trang đang thực hiện các gói tầm soát ưu đãi 2 căn bệnh này cho khách hàng nữ đến hết ngày 31-12 và giảm 30% khi khách hàng sử dụng các gói này trong tháng 10. Cụ thể, gói tầm soát ung thư cổ tử cung (khám phụ khoa, soi cổ tử cung, phết tế bào âm đạo) có giá 335.000 đồng; gói tầm soát ung thư vú (khám vú, chụp nhũ ảnh) có giá 290.000 đồng; gói tầm soát ung thư vú (khám vú, chụp nhũ ảnh, siêu âm vú) có giá 400.000 đồng.

Hiện tại, vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra ung thư vú. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: tuổi càng cao nguy cơ mắc càng tăng; yếu tố gia đình, môi trường; sử dụng nội tiết tố thay thế ở thời kỳ mãn kinh; người ít hoạt động thể chất; hút thuốc, uống rượu bia nhiều... Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus Human PapillomaVirus (HPV). Một số yếu tố làm tăng nguy cơ là: phụ nữ có quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người; dùng thuốc tránh thai kéo dài; sinh đẻ nhiều (từ trên 4 lần); hút thuốc lá, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Riêng ung thư cổ tử cung, ở giai đoạn đầu, căn bệnh này hầu như không có biểu hiện gì nên nhiều người dễ bỏ qua. Khi người mắc bệnh có những biểu hiện dễ nhận biết như: ra huyết trắng có mùi hôi, có lẫn máu; chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc sau khi làm việc nặng dù không đang ở chu kỳ kinh nguyệt; chảy dịch có lẫn máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng, lưng, vùng chậu và chân... thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.


Theo bác sĩ Võ Đăng Hùng, với những tiến bộ của y khoa hiện đại, 2 căn bệnh này có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm; tỷ lệ chữa khỏi chiếm hơn 90%. “Để tầm soát đối với 2 căn bệnh này, phụ nữ nên tự kiểm tra vú hàng tháng sau khi hết kinh nguyệt khoảng 10 ngày, nếu sờ nắn thấy có một cục u không đau hoặc hơi đau thì nên đi khám ngay. Ngoài ra, nên thực hiện siêu âm vú 1 năm/lần và chụp nhũ ảnh 3 năm/lần. Về phòng ngừa ung thư cổ tử cung, nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, làm thêm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (pap smear) để kiểm soát được căn bệnh này. Lứa tuổi từ 9 đến 26 tuổi nên tiêm vắcxin HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung” -  bác sĩ Hùng khuyên.


T.L