Uống bia rượu, hút thuốc lá và thói quen ngốn ngấu thức ăn nhanh có thể tác động tiêu cực đến năng lực ghi nhớ của não bộ, khiến ký ức của con người bị xói mòn.
Uống bia rượu, hút thuốc lá và thói quen ngốn ngấu thức ăn nhanh có thể tác động tiêu cực đến năng lực ghi nhớ của não bộ, khiến ký ức của con người bị xói mòn.
Dùng nhiều đồ ngọt, thức ăn nhanh... sẽ không có lợi cho não |
Con người luôn dễ dàng đổ lỗi cho tuổi tác về vấn đề trí nhớ kém, nhưng thực tế cho thấy mỗi người đều góp phần đẩy bản thân vào tình trạng này với những thói quen có hại trong đời sống hằng ngày, theo kết luận của Giáo sư Robert Logie, chuyên gia về trí nhớ của Đại học Edinburgh (Scotland). Sau đây là những nguyên nhân chính:
Ăn quá nhiều thức ăn nhanh. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Úc một mực cam đoan rằng thức ăn nhanh không làm cho con người mập, nhưng lại tác động cực xấu đến trí nhớ, ít nhất là ở chuột. Nhóm nhà khoa học của Đại học New South Wales đã rút ra kết luận trên khi quan sát chuột được cho ăn chế độ giàu chất béo và đường, theo đó chuột thí nghiệm bị tổn hại ở thùy cá ngựa, khu vực não có liên quan đến trí nhớ về không gian, giúp chúng ta nhớ được những thứ như sơ đồ thị trấn của bạn.
Sáng say chiều xỉn. Lâu nay, ai nấy đều biết rằng thói quen uống rượu bia vô độ trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng teo não. Trong một cuộc nghiên cứu mới nhất, các chuyên gia của Đại học Cao đẳng London (Anh) phát hiện những người uống rượu quá mức ở tuổi trung niên bị suy giảm trí nhớ sớm đến 6 năm so với những người ít uống. Tuy nhiên, trí nhớ kém không những xảy ra đối với các đệ tử lưu linh dài hạn, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đối với những người say xỉn quá mức trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn, những bữa tiệc tùng “say tới bến” lúc còn ở tuổi đôi mươi có thể ảnh hưởng đến trí nhớ trong dài hạn.
“Nghiện” mạng xã hội. Dành quá nhiều thời gian trên các mạng như Facebook và Twitter có thể gây tràn “bộ nhớ” ở khu vực não xử lý trí nhớ ngắn hạn, theo nghiên cứu mới đây của Viện Công nghệ hoàng gia KTH ở Thụy Điển. Hành động liên tục “dội bom” bộ não với nhiều nguồn thông tin khác nhau, từ sử dụng mạng xã hội, chuyển sang nhắn tin, viết thư điện tử và lướt web, khiến não không có thời gian nghỉ xả hơi để có thể xử lý thông tin một cách thấu đáo. Giáo sư Logie khuyên nên tránh chuyện thay đổi xoành xoạch các nguồn cập nhật thông tin, khiến não mệt mỏi.
Thiếu ngủ. Cùng với sự phát triển và phổ biến thiết bị công nghệ, con người ngày càng ngủ ít đi, và đây chẳng phải là thông tin tốt lành gì đối với não. Kết quả nghiên cứu vừa đăng trên chuyên san Neuroscience cho thấy tình trạng mất ngủ kéo dài, tương đương việc ngủ được 5 giờ/đêm và kéo dài suốt 3 đêm liên tiếp, tiêu diệt 25% tế bào não ở chuột. Các chuyên gia cảnh báo rằng hành động ngủ bù vào cuối tuần không hề có tác dụng xoay trở tình thế, và tế bào não đã chết thì cũng không thể hồi phục hoặc sản sinh tế bào não mới.
Hút thuốc. Hoạt động này làm giảm lượng oxygen cần thiết để bổ sung cho não, gây tổn hại đối với trí nhớ, ảnh hưởng khả năng học hỏi và lập luận, theo báo cáo của Đại học Hoàng đế London. Các chuyên gia Anh đã rút ra kết luận trên khi theo dõi 8.000 người trong suốt 8 năm.
Đụng đầu. Thậm chí một cú đụng đầu nhẹ cũng có thể gây tổn hại đáng kể đến khả năng nhớ và suy luận, theo nghiên cứu của Đại học Newcastle (Anh). Các chuyên gia đã so sánh nhóm người bị đụng đầu nhẹ hoặc chấn thương đầu (té xe đạp chẳng hạn) với những người chưa bao giờ bị chấn thương. Kết quả cho thấy kỹ năng nhớ và suy luận của nhóm đầu tiên chậm hơn 25% so với nhóm còn lại.
Theo Thanh niên