06:10, 31/10/2014

Thiếu I-ốt gây ra nhiều bệnh nguy hiểm

Tuyến giáp nằm ở cổ, có hai thùy phải và trái, giữa có một eo vắt qua sụn giáp. Bình thường không nhìn thấy tuyến giáp nhưng khi nó to ra, mắt thường nhìn thấy là đã bị mắc bệnh.

Tuyến giáp nằm ở cổ, có hai thùy phải và trái, giữa có một eo vắt qua sụn giáp. Bình thường không nhìn thấy tuyến giáp nhưng khi nó to ra, mắt thường nhìn thấy là đã bị mắc bệnh.


Chức năng của tuyến giáp


Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng vì nó có nhiều chức năng, nếu rối loạn có thể ảnh hưởng đến mạng sống của con người. Tác dụng của nó thông qua hormone chính là Thyroxin. Hậu quả dễ thấy nhất đối với thai phụ bị thiếu I-ốt là ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm chí đần độn hoặc khuyết tật khi sinh ra.


Tuyến giáp có chức năng tăng tổng hợp protein giúp cơ nở to, rắn chắc. Hormone tuyến giáp kích thích tất cả các yếu tố liên quan đến trao đổi carbohydrate, bao gồm tăng khả năng chuyển glucose từ ngoài vào trong tế bào, tăng dự trữ glycogen ở gan và cơ, tăng tổng hợp glucose từ các nguồn thực phẩm. Ngoài ra, hormone tuyến giáp còn tham gia quá trình trao đổi (huy động, tổng hợp) chất béo (lipid) nên nếu huy động quá mức sẽ làm acid béo trong máu cao. Tuy nhiên, nếu hormone tuyến giáp tăng (trong cường giáp) thì nồng độ cholesterol, triglyceride, phospholipids trong máu lại giảm. Nếu suy giáp thì mỡ trong máu tăng lên đến mức tăng dự trữ mỡ trong gan (gan nhiễm mỡ). Hormone tuyến giáp làm tăng quá trình trao đổi vật chất ở hầu hết các tế bào trong cơ thể nên nếu thiếu hormone thì trao đổi chất trở nên trì trệ. Tế bào đói năng lượng, thiếu oxy sẽ mệt mỏi, đờ đẫn, không làm việc được. Hormone tuyến giáp còn có tác dụng làm tăng tổng hợp protein trong đó có enzyme, nên khi thiếu hormone thì chuyển hóa vật chất sẽ rối loạn. Hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể rất rõ thông qua chuyển hóa cơ bản. Cường giáp chuyển hóa cơ bản tăng, tiêu hao năng lượng nhiều nên thể trọng giảm. Ngược lại suy giáp làm tăng thể trọng.


Đối với tim: hormone tuyến giáp làm tăng cường nhịp tim thông qua việc kích thích hệ thống thần kinh tim. Vì thế cường giáp tim đập nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, suy giáp tim đập chậm. Đối với hô hấp: hormone tuyến giáp tăng sẽ làm nhịp thở tăng. Đối với hệ tiêu hóa: hormone tuyến giáp làm tăng cảm giác thèm ăn, tăng tiết dịch tiêu hóa và cường giáp còn tăng nhu động ruột dẫn đến tiêu chảy. Nếu suy giáp thì bị táo bón. Đối với thần kinh trung ương: hormone tuyến giáp làm tăng cường sự nhạy cảm của các neuron thần kinh. Tuy nhiên nếu cường giáp thì gây bồn chồn, mất ngủ, suy giáp sẽ đần độn. Đối với cơ: hormone tuyến giáp làm tăng cường hoạt động của cơ. Nếu cường giáp thì protein của cơ bị phân hủy khiến cơ teo lại, có hiện tượng run cơ, càng chú ý càng run nhiều hơn. Sự run cơ được cho là các synap điều khiển trương lực cơ bị nhiễu do tăng hormone tuyến giáp. Suy giáp thì cơ yếu, uể oải. Đối với các tuyến nội tiết: hệ nội tiết của chúng ta điều hành theo một trục từ não bộ trở xuống. Nếu tuyến giáp có trục trặc lập tức ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Đặc biệt ảnh hưởng trên tuyến sinh dục rất rõ. Người dân bị bướu cổ do thiếu hormone tuyến giáp thì tỉ lệ vô sinh cao, phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, có thể mất kinh, nam giới giảm ham muốn. Thừa hormone thì nam giới bị rối loạn cương, phụ nữ giảm ham muốn. Trong quá trình phát triển cơ thể: hormone tuyến giáp có ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cơ thể.


Phụ nữ mang thai nên kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp vì hormone tuyến giáp sơ khai kích thích phát triển não bộ của thai nhi. Khi trẻ ra đời, nếu ăn uống không đủ I-ốt để tổng hợp hormone tuyến giáp có thể gây đần độn, không cao được. Đó là lý do tại sao trước đây ở nước ta có hẳn một chương trình mục tiêu quốc gia để vận động nhân dân dùng muối I-ốt để tránh những căn bệnh do thiếu I-ốt gây ra.


Điều gì xảy ra khi thiếu I-ốt?


Mỗi ngày, mỗi người chúng ta cần khoảng 250 - 750 microgram I-ốt. I-ốt sẽ theo nguồn thức ăn vào ruột, hấp thu vào máu. Khi dòng máu đến tuyến giáp, các tế bào tuyến sẽ “bắt giữ” I-ốt để tổng hợp hormone của tuyến.


Để giúp tuyến giáp có “đầu vào”, chúng ta  phải ăn đủ lượng I-ốt cần thiết. Khi thiếu I-ốt tuyến yên vẫn tiết ra kích giáp tố TSH (Thyroid stimulating hormone), tế bào nang tuyến phình to ra nhưng không có I-ốt để “bắt” sẽ sinh ra bướu cổ. Các bà mẹ mang thai thiếu I-ốt có thể sinh con đần độn, nguy cơ sẩy thai, đẻ non, thai chết lưu...


Các kết quả nghiên cứu còn cho thấy cả vùng đồng bằng tuy đã truyền thông và muối I-ốt bán ở khắp nơi nhưng một số gia đình không có thói quen ăn muối I-ốt. Thống kê năm 2008, cả nước chỉ còn 70% gia đình dùng muối I-ốt, giảm chừng 20% so với năm 2005 và số bệnh nhân bướu cổ đang tăng trở lại.


Vì thế, việc truyền thông khuyến khích toàn dân sử dụng muối I-ốt trong bữa ăn hàng ngày trở thành vấn đề quan trọng, thường xuyên.


“Vì sức khỏe của gia đình, bạn hãy dùng muối và các chế phẩm có I-ốt”.


BSCKII Nguyễn Hữu Châu
(Trung tâm Nội tiết Khánh Hòa)