07:10, 07/10/2014

Phát hiện sớm ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là bệnh gặp nhiều nhất trong các bệnh ung thư vùng đầu, cổ. Hàng năm, có khoảng 350 - 400 bệnh nhân ung thư vòm họng được điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội. Căn bệnh này xếp hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư ở nam giới.

Ung thư vòm họng (UTVH) là bệnh gặp nhiều nhất trong các bệnh ung thư vùng đầu, cổ. Hàng năm, có khoảng 350 - 400 bệnh nhân UTVH được điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội. Căn bệnh này xếp hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư ở nam giới.


Họng hay hầu là một ống nằm sâu trong miệng, có nhiệm vụ dẫn thức ăn và hơi thở, góp phần phát ra tiếng nói. Ung thư chính ở bộ phận này là UTVH (vòm hầu) hay họng trên, ung thư khẩu hầu hay họng giữa (gồm amiđan và đáy lưỡi) và ung thư hạ hầu hay họng dưới. Thông thường, bệnh mọc từ amiđan, đáy lưỡi hoặc từ lớp lót (niêm mạc) của họng, rồi lan rộng và ăn cứng các bộ phận này. UTVH có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm tuổi 40 - 49 tuổi (chiếm 31%), nam chiếm gần gấp 3 lần so với nữ.


Nguyên nhân của UTVH có thể do nhiễm vi rút Epstein Barr một thời gian lâu. Thói quen ăn cá muối khô từ tuổi nhỏ làm kích hoạt vi rút gây UTVH, vì trong cá muối khô có chứa chất nitrosamin, khi sử dụng lâu ngày gây ra ung thư. Ngoài ra, yếu tố chủng tộc và gia đình, các chất benzopyren, khói công nghiệp, hóa chất bốc hơi, viêm vòm họng mạn tính, hút thuốc lá, nghiện rượu, tiếp xúc với formon, bụi gỗ cũng làm kích hoạt vi rút gây ung thư. Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường đến khám với các triệu chứng chủ yếu như: ù tai, ngạt tắc mũi và đau nửa đầu. Do các dấu hiệu lâm sàng không đặc hiệu nên bệnh nhân và thầy thuốc dễ bỏ qua. Quá trình điều trị kéo dài không khỏi, hoặc bệnh tiến triển nặng, nổi hạch cổ mới phát hiện. Có những bệnh nhân phát hiện ra hạch cổ được 1 năm nhưng do hạch không đau, không ảnh hưởng đến sức khỏe nên không đi khám, chỉ đến khi có dấu hiệu tổn thương thần kinh sọ não mới khám. Lúc đó, bệnh đã ở giai đoạn muộn.

 

Thực hiện nội soi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Thực hiện nội soi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Khi UTVH lớn nhiều sẽ xâm lấn vùng lân cận làm bít hốc mũi gây nghẹt tắc mũi, khịt khạc chảy máu mũi một bên, chèn nghẹt vòi Eustache cho cảm giác ù tai hoặc không nghe rõ; ăn vào đáy sọ gây nhức đầu; làm liệt các dây thần kinh sọ gây sụp mi, mắt lé. Vài hạch bên cổ to lên do ung thư lan tràn theo đường lympho. Theo đường máu, ung thư di căn xa đến xương, phổi, gan và di căn hạch cổ (rất hay gặp trong UTVH giai đoạn muộn).


Sử dụng nội soi tai mũi họng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh, đồng thời giúp đánh giá, chăm sóc trong suốt quá trình trước, trong và sau điều trị. Vai trò của CT, MRI đối với chẩn đoán UTVH cũng rất quan trọng, mặt khác các xét nghiệm này còn giúp phát hiện có tổn thương xương nền sọ, có xâm lấn, mức độ xâm lấn các xoang, hốc mắt, xâm lấn não, màng não...


Khi đã xác định giai đoạn của UTVH, tổng trạng của người bệnh và các tác dụng phụ, bác sĩ sẽ lên kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân. Đây là phương pháp điều trị chủ yếu. Xạ trị bên ngoài là dùng các chùm tia phóng xạ mạnh để phá hủy mô ung thư. Người bệnh nằm trên bàn phẳng, máy xạ trị xoay xung quanh, phát tia nhắm đúng vào vị trí ung thư. Còn xạ trị trong (áp sát) thường sử dụng cho ung thư thật nhỏ hoặc tái phát là dùng ống dẫn nguồn phóng xạ áp sát hoặc đi vào trong khối ung thư. Xạ trị có thể gây ra một số tác dụng phụ tạm thời như: da vùng xạ trị bị mẩn đỏ, nghe không rõ và khô miệng... Xạ trị có thể kết hợp thuốc uống (hóa trị) hoặc truyền tĩnh mạch nhằm tấn công các tế bào ung thư sót lại trong cơ thể. Phương pháp mổ chỉ được sử dụng khi cần phải nạo vét các hạch cổ di căn.  


Những cách làm giảm nhẹ chứng khô miệng sau xạ trị như: đánh răng vài lần trong ngày, súc miệng với nước muối ấm sau bữa ăn, giữ miệng ẩm với nước và kẹo ngậm không đường hoặc thức ăn mềm ướt, thức ăn có xốt, bơ hoặc sữa. Người bệnh cần tránh thức ăn khô, thức ăn, thức uống cay, chua, có cafein và cồn. Có thể sử dụng nước bọt nhân tạo giúp người bệnh giảm triệu chứng khô miệng.


Nếu UTVH được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, sẽ cho kết quả khả quan. Bệnh nhân được điều trị đúng cách, thời gian sống trung bình 5 năm chiếm từ 50 đến 60%.


BS. TÔN THẤT TOÀN
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)