07:10, 30/10/2014

Bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt

I-ốt là vi chất rất cần thiết cho đời sống con người. Thiếu hụt I-ốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ như bướu cổ, đần độn, giảm khả năng lao động, tăng nguy cơ thai chết lưu ở phụ nữ mang thai, tổn thương hệ thần kinh ở trẻ em, ảnh hưởng sự phát triển não bộ của trẻ thơ...

I-ốt là vi chất rất cần thiết cho đời sống con người. Thiếu hụt I-ốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ như bướu cổ, đần độn, giảm khả năng lao động, tăng nguy cơ thai chết lưu ở phụ nữ mang thai, tổn thương hệ thần kinh ở trẻ em, ảnh hưởng sự phát triển não bộ của trẻ thơ...


Khi cơ thể bị thiếu I-ốt, tuyến giáp làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng nên tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ. Bướu cổ là cách thích nghi của cơ thể để bù lại một phần thiếu I-ốt, khi có kích thước to nó chèn ép đường thở, đường ăn uống gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe. Thiếu I-ốt ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể gây ra sẩy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Khi thiếu I-ốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác. Các hậu quả đó sẽ tồn tại vĩnh viễn trong cả cuộc đời, hiện nay y học chưa chữa được.


Việt Nam là nước nằm trong vùng thiếu I-ốt. Tỷ lệ thiếu I-ốt rất cao và phổ biến toàn quốc từ miền núi đến đồng bằng. Lượng I-ốt tối ưu cho cơ thể người trưởng thành là 200 microgam (mcg)/ngày, giới hạn an toàn là 500mcg/ngày. I-ốt là nguyên tố vô cơ vi lượng con người cần có thường xuyên, liên tục, trong khi con người không tự tổng hợp được. Trong khi đó, lượng I-ốt từ bên ngoài cung cấp qua thức ăn ngày càng nghèo đi do hiện tượng I-ốt trong đất bị mất dần bởi mưa, lũ cuốn trôi... Trên thế giới đã có nhiều phương pháp bổ sung thêm I-ốt cho con người như dùng dầu I-ốt, muối I-ốt (MI), các chế phẩm khác như nước uống, bánh kẹo, đồ ăn đóng hộp...

 

Khám bệnh bướu cổ cho học sinh.
Khám bệnh bướu cổ cho học sinh.


Ở nước ta, việc bổ sung I-ốt bằng cách dùng muối I-ốt được áp dụng từ năm 1976. Đây là cách thức hiệu quả nhất vì sự tiện lợi, dễ sử dụng, đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, kinh tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng muối I-ốt ở nhiệt độ cao vì I-ốt trộn vào muối dưới dạng KIO3 (Kali iodate), loại này rất bền vững ở môi trường nhiệt cho nên việc sử dụng muối I-ốt trước, trong và sau nấu đều không ảnh hưởng đến nhu cầu cần thiết hàng ngày và cũng không gây tác hại đối với con người.


Thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận nhân dân thường xuyên sử dụng muối thường. Nhiều hộ gia đình rất ít dùng muối I-ốt trong nấu ăn hàng ngày, thay vào đó họ sử dụng nước mắm, bột nêm, trong khi các loại phụ gia chế biến này hầu như không có I-ốt.


Một trong những biện pháp phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt I-ốt là bổ sung I-ốt vào muối ăn hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng không thường xuyên sử dụng muối I-ốt đang diễn ra trở lại ở các địa phương khiến cho độ bao phủ I-ốt giảm nhiều, nguy cơ thiếu hụt I-ốt đã quay trở lại. 


Nhân ngày Toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (2-11- 2014), mọi gia đình, người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hãy tích cực sử dụng muối I-ốt trong bữa ăn hàng ngày để không mắc các rối loạn do thiếu I-ốt.
“Vì hạnh phúc của trẻ thơ, hãy dùng muối và các chế phẩm có I-ốt”.


BSCK II Nguyễn Hữu Châu (Trung tâm Nội tiết Khánh Hòa)