Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh Khánh Hòa vừa đưa liệu pháp làm vườn vào điều trị bệnh. Liệu pháp này đã đem đến những kết quả bất ngờ, bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh tật, tiến triển hơn về cảm xúc và ý thức...
Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh Khánh Hòa vừa đưa liệu pháp làm vườn vào điều trị bệnh. Liệu pháp này đã đem đến những kết quả bất ngờ, bệnh nhân (BN) cải thiện tình trạng bệnh tật, tiến triển hơn về cảm xúc và ý thức...
Giao tiếp với thiên nhiên
Khuôn viên vườn rau của Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh rộng khoảng 250m2. Những bóng áo xanh, áo trắng đang cần mẫn xới đất, gieo hạt, tưới nước… tạo ra một khung cảnh yên bình. Thấy chúng tôi đến, chị N.T.T.M quê ở Ninh Hòa dừng tay cho biết, chị phát bệnh tâm thần phân liệt đến nay đã 18 năm. Mới đây, chị được các y, bác sĩ đưa vào nhóm làm vườn nên rất vui. Từ ngày cùng anh chị em lao động trồng rau, trồng hoa, chị cảm thấy thoải mái hơn, người khỏe ra.
Anh K. (ở TP. Nha Trang) ngắt những bông hoa mười giờ tặng chúng tôi. Anh khoe, đây là những bông hoa do chính tay anh trồng. Vốn là một thanh niên khỏe mạnh, gia đình khá giả, có công việc ổn định, nhưng sau một biến cố gia đình, anh K. phát bệnh tâm thần. Quá trình điều trị, anh không nói, lười vận động, chỉ ngồi một chỗ… Sau 2 tháng tham gia liệu pháp làm vườn, anh K. thay đổi hẳn, nhanh nhẹn và hoạt bát hơn, thích ra làm vườn và nói chuyện với mọi người. “Nhờ công việc này, giờ đây tôi thích nói chuyện, chia sẻ với anh chị em bệnh nhân, với người thân về những công việc mình sẽ làm. Tôi chỉ mong sớm khỏi bệnh để về nhà mở vườn trồng cây, hoa, gần gũi với thiên nhiên”, anh K. tâm sự.
Bệnh nhân cùng làm đất cho vụ rau mới. |
Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần tỉnh có khoảng 150 BN đang điều trị nội trú. Hàng ngày, BN được khám, chăm sóc và uống thuốc, được thực hiện các liệu pháp chữa bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ BN tái phát khá cao. Điều này khiến các y, bác sĩ của bệnh viện không khỏi băn khoăn, trăn trở. Nhận thấy trong xã hội hiện tại, con người luôn phải đối mặt với nhiều áp lực; xu hướng tìm về với thiên nhiên đang được nhiều người lựa chọn để cân bằng lại chính mình, lãnh đạo Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh đã quyết định đưa liệu pháp làm vườn vào trị bệnh cho BN.
Trước khi triển khai, Khoa liệu pháp phải tổ chức lựa chọn BN hết sức cẩn trọng vì những dụng cụ làm vườn khi ở trong tay BN có thể gây nguy hiểm cho người khác. Vì thế, chỉ những BN ổn định về tâm lý mới tham gia liệu pháp này. Khoa đã lựa chọn được 5 nhóm, mỗi nhóm từ 6 - 7 BN và 2 nhân viên hướng dẫn, theo dõi và đánh giá khả năng đáp ứng điều trị của từng người.
Sau nửa năm hoạt động, đến nay liệu pháp làm vườn đã cho kết quả khả quan. Vườn rau của bệnh viện trước đây khô cằn nay trở nên xanh tốt. Hơn thế, nó đã giúp cho gần 40 BN cải thiện tình trạng bệnh tật, tiến triển hơn về cảm xúc, thể chất và ý thức…
Cần nhân rộng
Liệu pháp làm vườn xuất phát từ nước Pháp. Sau thế chiến thứ 2, do kinh tế khó khăn, ở các bệnh viện tâm thần, bệnh nhân và nhân viên cùng lao động, sản xuất, vô tình người ta phát hiện tình trạng bệnh của bệnh nhân đỡ hơn thông qua liệu pháp làm vườn. Liệu pháp ra đời, được ứng dụng tại một số nước trên thế giới. Tại Việt Nam, liệu pháp này chưa được thực hiện một cách chính thống. Khánh Hòa là địa phương đầu tiên thí điểm thực hiện liệu pháp này. |
Bác sĩ Đặng Duy Thanh, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh cho biết, BN tâm thần lâu năm, nhiều người không hoạt động chân tay, trí não. Do không làm việc nên họ thường mặc cảm, tự ti, thấy bản thân mình không giúp được gì cho gia đình và xã hội. Trường hợp này nếu gặp một sự cố trong cuộc sống, BN sẽ không chịu đựng được, dễ dẫn đến tái phát bệnh. Khi tham gia làm vườn, não của BN sẽ tạo ra chất kích thích khiến họ có cảm giác dễ chịu, tâm trạng được cải thiện. Không những thế, liệu pháp làm vườn còn giúp tăng khả năng tập trung, giao tiếp xã hội của BN. “Có BN nhập viện nhiều lần trong 10 năm qua, từ chối làm những việc khác, nhưng khi làm vườn lại rất hăng hái tham gia”, bác sĩ Đặng Duy Thanh cho biết. Còn chị Nguyễn Thị Nhã Phương, Khoa Liệu pháp, một trong những người tham gia hướng dẫn triển khai liệu pháp, chia sẻ: “So với các liệu pháp đã và đang áp dụng, liệu pháp làm vườn giúp BN hoạt động thể lực nhiều hơn, chủ động hơn. Sau khi thu hoạch, BN được hưởng thành quả lao động của chính mình (trích tiền bán rau quả đóng góp cho nhà bếp bệnh viện), điều này giúp người bệnh thấy được giá trị bản thân mình”.
Với những thành công ban đầu, bác sĩ Đặng Duy Thanh khẳng định cần nhân rộng liệu pháp này. Bởi liệu pháp làm vườn giúp BN nhanh lành bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống. Sau khi điều trị ở bệnh viện, trở về với gia đình, nếu BN được gia đình và cộng đồng quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho tham gia làm vườn thì hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn và lâu dài hơn.
THƯ LONG