10:10, 01/10/2014

Chưa ghi nhận trường hợp bị phản ứng nặng sau tiêm chủng

Đây là thông tin được GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng cho biết tại Hội thảo với cơ quan báo chí các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên...

Đây là thông tin được GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng cho biết tại Hội thảo với cơ quan báo chí các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên về Chiến dịch tiêm chủng miễn phí vắc xin Sởi- Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi diễn ra tại Nha Trang vào ngày 1-10.

 

Quang cảnh hội thảo báo chí về Chiến dịch tiêm chủng mở rộng sởi - rubella
Quang cảnh hội thảo báo chí về Chiến dịch tiêm chủng mở rộng sởi - rubella


Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 6.000 người mắc hội chứng rubella bẩm sinh, đây là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dễ lan thành dịch. Riêng năm 2011, cả nước có 7.200 ca mắc rubella tại 59 tỉnh, thành, tập trung ở nhóm trẻ em, thanh niên và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Trong những năm 2012-2013, tại các bệnh viện (BV) Nhi tuyến TW đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc rubella bẩm sinh với đa dị tật, trong đó, 90% mắc tim bẩm sinh và các dị tật phức tạp, hơn 45% đục thủy tinh thể, gần 40% bị lách to, hơn 12% chậm phát triển cùng nhiều trẻ bị bại não, xuất huyết não… Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nếu mắc rubella, 90% sẽ bị sảy thai, thai chết lưu, thậm chí, trẻ bị tử vong. Bệnh còn nguy hiểm vì khoảng 50% số trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu điển hình của bệnh, nên nhiều phụ nữ có thai mắc rubella đã không được phát hiện, gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe, đối với cả mẹ và thai nhi.


Vì sự nguy hiểm và những di chứng khôn lường của bệnh sởi, rubella và tiến tới loại trừ bệnh sở theo mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2017, khống chế bệnh rubella, với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vắc – xin và tiêm chủng (GAVI), Bộ Y tế triển khai Chiến dịch tiêm chủng miễn phí vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi.  Mục tiêu là phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% trẻ trong diện tiêm chủng được tiêm đảm bảo chất lượng, an toàn tiêm chủng theo quy định. Chiến dịch sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc và giảm gánh nặng bệnh sởi, rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong cộng đồng.


Theo đó, chiến dịch được tổ chức thành 3 đợt. Đợt 1:  từ tháng 9,10-2014 dành cho trẻ từ 1-5 tuổi; đợt 2: tháng 11,12-2014 dành cho trẻ từ 6-10 tuổi; đợt 3: tháng 1,2-2015 dành cho trẻ từ 11-14 tuổi. Dự kiến có khoảng 23 triệu trẻ trong cả nước sẽ được tiêm chủng trong chiến dịch này. Trước khi triển khai trên diện rộng, giữa tháng 9, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai quy mô nhỏ tại 4 huyện thuộc 4 khu vực, gồm: huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ), huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế), huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) và thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và tỷ lệ tiêm chủng ở các điểm này đạt khá cao.Theo ghi nhận, sau nửa tháng triển khai có 210 cháu có phản ứng nhẹ sau tiêm và không có trường hợp nào bị phản ứng nặng.


PG-TS Nguyễn Trần Hiển cũng cho biết, đến nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiếp nhận 5 triệu liều vắc xin sởi - rubella cùng vật tư tiêm chủng để đảm bảo tiêm đúng tiến bộ. Vắc xin sởi – rubella do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiểm định chất lượng và lần đầu tiên được đưa vào sử dụng ở Việt Nam. Trên thế giới đã có 39 nước với hơn 600 triệu liều được đưa vào sử dụng. Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, vắc xin được bảo quản lạnh từ trung ương đến địa phương, duy trì nhiệt độ lạnh 24/24 giờ. “Vắc xin  sởi - rubella là vắc xin sống giảm độc lực và là vắc xin an toàn. Trong vòng 24 giờ sau tiêm, tại chỗ tiêm có thể sưng đau và dấu hiệu này sẽ tự mất trong vòng 2 đến 3 ngày; sốt nhẹ có thể xảy ra ở 5% đến 15% trẻ được tiêm, kéo dài trong 1- 2 ngày; ban có thể xuất hiện từ 5 - 10 ngày sau khi tiêm ở 2% số trẻ tiêm; các triệu chúng khác có thể gặp như: đau khớp, viêm khớp; đặc biệt, phản ứng nặng sau tiêm hiếm gặp” – GS-TS Hiển nói.


Trả lời câu hỏi của báo chí nên cho trẻ đã tiêm đủ 2 mũi sởi tiêm thêm lần này, GD-TS Hiển khẳng định, chỉ những trẻ em trong khoảng 1 tháng trước đã tiêm chủng sởi hoặc rubella mới không phải tiêm, còn lại tất cả những trẻ em khác, cho dù đã tiêm đủ 2 mũi sởi hoặc rubella trước đó vẫn tiêm chủng lại trong đợt này. Vì nó giúp cho trẻ tăng thêm khả năng phòng, chống 2 căn bệnh này và việc tiêm như thế không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Sau chiến dịch, Bộ Y tế sẽ chính thức đưa loại vắc xin sởi- rubella tiêm thường xuyên trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.


Theo thông tin tại buổi Hội thảo, Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, ngoài TP Đà Nẵng và tỉnh Ninh Thuận đến thời điểm này các tỉnh, thành phố của khu vực đã triển khai đợt 1 của chiến dịch với tỷ lệ tiêm chủng đạt hơn 90%, có nơi đạt 98%. Riêng tỉnh Khánh Hòa, ngày 22-9, huyện Khánh Vĩnh và TP. Nha Trang là 2 địa phương triển khai tiêm đầu tiên. Sau một tuần triển khai có hơn 6.600 trẻ được tiêm chủng, không có trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm. Đến ngày 20-10 tỉnh Khánh Hòa sẽ kết thúc đợt 1 Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Sởi – Rubella với số trẻ được tiêm chủng trong đợt này là khoảng 82.000 trẻ. Dự kiến tổng số trẻ trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng trong 3 đợt của chiến dịch là khoảng 260.000 trẻ.


T.L