03:09, 25/09/2014

Những điều cần biết về cơn đau thắt ngực

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa người cao tuổi là từ 60 tuổi trở lên. Bệnh tim mạch là bệnh thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người cao tuổi. Bệnh động mạch vành ở người cao tuổi thường nặng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa người cao tuổi (NCT) là từ 60 tuổi trở lên. Bệnh tim mạch là bệnh thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở NCT. Bệnh động mạch vành ở NCT thường nặng. Thực tế hiện nay bệnh động mạch vành có thể xảy ra ở những người còn rất trẻ và khỏe mạnh. Theo báo cáo nghiên cứu hoạt động tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (từ tháng 2-2009 đến 2-2014 của Tiến sĩ Huỳnh Văn Thưởng), trong tổng số 3.702 lượt thực hiện tim mạch can thiệp, độ tuổi 60 - 69 chiếm 18%; độ tuổi 70 - 79 chiếm 17,6%; độ tuổi 50 - 59 chiếm 15,8%; độ tuổi dưới 49 chiếm 10%.


Trái tim chúng ta giống như một máy bơm, làm việc 24/24 giờ, cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể. Để hoạt động được, cơ tim phải được cung cấp đủ máu giàu oxy. Máu được cung cấp cho cơ tim qua hệ thống động mạch vành, xuất phát từ gốc động mạch chủ. Hệ động mạch vành gồm có động mạch vành trái và động mạch vành phải. Các động mạch này chia thành các nhánh nhỏ hơn tới nuôi từng vùng cơ tim. Như vậy, khi một hoặc nhiều nhánh động mạch này bị tắc nghẽn (một phần hay hoàn toàn, thường là do mảng xơ vữa) thì sẽ xuất hiện bệnh động mạch vành. Khi động mạch vành bị hẹp trên 50% khẩu kính của lòng mạch, người bệnh sẽ xuất hiện cơn đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực thường xảy ra khi người bệnh gắng sức và giảm đi khi người bệnh nghỉ ngơi, nên người ta gọi là cơn đau thắt ngực ổn định. Trường hợp mảng xơ vữa trong động mạch vành bị nứt, vỡ ra thì cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, nên người ta gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định.

 

 Đo điện tim tại Trạm Y tế xã Cam Phước Đông - Cam Ranh.
Đo điện tim tại Trạm Y tế xã Cam Phước Đông - Cam Ranh.


Khi nghỉ ngơi, tim co bóp đều đặn với tần số khoảng 60 - 70 lần/phút. Tuy nhiên, khi chúng ta bị stress, gắng sức, vội vã, sau ăn no, sốt, cường giáp, hạ đường huyết tần số tim sẽ tăng lên. Sự gia tăng nhu cầu oxy cơ tim là một yếu tố làm tăng sự xuất hiện cơn đau thắt ngực.


Hội chứng lâm sàng của cơn đau thắt ngực ổn định biểu hiện bằng cảm giác khó chịu ở ngực, hàm, vai, lưng hoặc cánh tay. Triệu chứng này gia tăng khi gắng sức hoặc bị stress. Khi nhập viện, người bệnh sẽ được thực hiện các biện pháp cận lâm sàng như đo điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim, siêu âm tim gắng sức, xạ ký cơ tim gắng sức... để chẩn đoán xác định bệnh. Tiêu chuẩn vàng của chẩn đoán cơn đau thắt ngực là chụp động mạch vành.


Một yếu tố quan trọng trong chẩn đoán cơn đau thắt ngực ổn định là tần suất, độ nặng, thời gian đau, giờ xuất hiện và yếu tố làm nặng. Có nhiều người bệnh mô tả cơn đau thắt ngực theo cách như ngực bị đè nặng, bóp nghẹt, khó chịu, nóng bỏng, khó tiêu, siết chặt, tức... Bác sĩ cần hỏi về yếu tố làm xuất hiện cơn đau, vị trí, cách khởi đầu, thời gian đau và cách hết đau, vị trí lan của cơn đau.


Cơn đau thắt ngực thường xuất hiện ban ngày, lúc gắng sức, xúc động, đang ăn hay thời tiết lạnh; có khi xuất hiện vào đêm. Cơn đau thường kéo dài vài phút đến 10 hoặc 15 phút. Đau có thể lan tới cằm, chi trên, thượng vị, ra sau lưng nhưng không bao giờ xuống tới rốn. Khi có cơn đau thắt ngực, mặt bệnh nhân thường tái, toát mồ hôi; mạch và huyết áp thường hơi tăng. Đối với NCT, triệu chứng đau thắt ngực không điển hình, có thể chỉ là khó thở, đau bả vai hay sau lưng, cảm giác yếu mệt (thường ở phụ nữ) và khó chịu vùng thượng vị.


Mục tiêu chính của điều trị cơn đau thắt ngực ổn định là phòng ngừa nhồi máu cơ tim và tử vong, giảm triệu chứng cơ năng tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Có 5 vấn đề cần quan tâm khi điều trị người bệnh là xác định và điều trị các bệnh phối hợp có thể làm nặng cơn đau thắt ngực, giảm yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành; sử dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc; thay đổi lối sống; điều trị nội khoa bằng thuốc; tái tưới máu cơ tim (tái tạo động mạch vành qua da hay mổ bắc cầu).


Bác sĩ TÔN THẤT TOÀN
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh)