Chiều 28-8, Sở Y tế tổ chức họp báo về vụ 3 trẻ tử vong khi phẫu thuật hở hàm ếch. Ông Lê Tấn Phùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Sở Y tế cho biết, sáng cùng ngày, Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế thành lập đã có buổi làm việc về nguyên nhân gây tử vong cho 3 trẻ.
Chiều 28-8, Sở Y tế tổ chức họp báo về vụ 3 trẻ tử vong khi phẫu thuật hở hàm ếch. Ông Lê Tấn Phùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Sở Y tế cho biết, sáng cùng ngày, Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế thành lập đã có buổi làm việc về nguyên nhân gây tử vong cho 3 trẻ. Tại buổi làm việc, Hội đồng có mời bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình - chuyên gia gây mê của Trung tâm OSCA tham gia để các thành viên Hội đồng tìm hiểu về quá trình thực hiện gây mê. Sau buổi làm việc, các thành viên của Hội đồng đã thống nhất đưa ra 5 kết luận và 4 kiến nghị.
Theo đó, kết luận thứ nhất là: các thành viên Hội đồng thống nhất nguyên nhân 3 trường hợp tử vong có liên quan đến quy trình gây mê. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân chính xác thì cần có thêm bằng chứng giám định pháp y và kiểm định độc lập về thuốc, quy trình pha thuốc, trang thiết bị trong quá trình gây mê. Thứ hai, quy trình chuyên môn của Trung tâm OSCA còn một số thiếu sót như: khám tiền phẫu và xét nghiệm tiền phẫu chưa đầy đủ; không có chuyên khoa Nhi tham gia vào quy trình khám sàng lọc và chỉ định phẫu thuật; không theo dõi huyết áp trong quá trình gây mê. Thứ ba: không kịp thời ngừng ngay các phẫu thuật khi có tai biến đầu tiên xảy ra. Thứ tư: công tác tổ chức, phối hợp giữa Trung tâm OSCA và các tổ chức chuyên môn ở địa phương chưa chặt chẽ. Thứ năm: Trung tâm OSCA không báo cáo kịp thời sự thay đổi nhân sự trong quá trình phẫu thuật tại Bệnh viện Quân y 87 (1 bác sĩ phẫu thuật đăng ký trong danh sách vắng mặt và có 1 bác sĩ không nằm trong danh sách được thay vào, tuy nhiên bác sĩ này chỉ phụ mổ).
4 kiến nghị Hội đồng chuyên môn đưa ra là: Yêu cầu Trung tâm OCSA phải làm văn bản chính thức giải trình vì sao không ngừng ngay các hoạt động gây mê phẫu thuật khi xảy ra ca tai biến đầu tiên. Đề nghị cơ quan chức năng thực hiện giám định pháp y và kiểm định độc lập về thuốc và quy trình gây mê để xác định nguyên nhân chính xác. Đối với những chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo, cần có quy trình chuyên môn cụ thể, chặt chẽ và phải có sự phối hợp với các đơn vị điều trị chuyên khoa có liên quan. Bệnh viện Quân y 87 cần tiếp tục củng cố công tác gây mê theo Thông tư 13 của Bộ Y tế vì hiện nay, khu vực gây mê hồi sức tại Bệnh viện còn thiếu một số yếu tố chưa đáp ứng hoàn toàn theo thông tư này.
Tại buổi họp báo, các nhà báo đã đưa ra một số câu hỏi xung quanh trách nhiệm của Bệnh viện Quân y 87, chất lượng thuốc gây mê, có hay không sự tắc trách của cá nhân, những biện pháp của Sở Y tế trong thời gian tới...
Trả lời câu hỏi của các nhà báo, ông Lê Tấn Phùng khẳng định: thuốc gây mê do Bệnh viện Quân y 87 cung cấp có thời hạn sử dụng đến năm 2016 và việc giao nhận thực hiện đúng quy định. Theo ông Phùng, hiện nay các chương trình khám, chữa bệnh từ thiện diễn ra khá nhiều. Hoạt động này đều phải thông qua Sở Y tế, tuy nhiên do nhiều tổ chức đến làm việc trực tiếp tại các địa phương, nên việc quản lý khám, chữa bệnh nhân đạo tương đối phức tạp. Sau sự việc này, Sở Y tế sẽ siết chặt các hoạt động trên và mong muốn UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế. Được biết, Bộ Y tế đang lấy ý kiến để ban hành quy định trong việc khám, chữa bệnh nhân đạo.
T.L