04:08, 12/08/2014

Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola

Ngày 8-8, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola.

Ngày 8-8, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola.


Theo đó, biểu hiện bệnh do virus Ebola gồm: Sốt cấp tính; đau đầu, đau mỏi cơ; nôn, buồn nôn; tiêu chảy; đau bụng; viêm kết mạc. Người bệnh sẽ bị phát ban, ban đầu ban nhú đỏ sẫm màu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban rát, sần có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh… Ngoài ra, bệnh kèm theo các biểu hiện xuất huyết như: Đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền, ho ra máu, chảy máu chân răng, chảy máu âm đạo… Những dấu hiệu này khá giống với sốt xuất huyết Dengue, sốt rét có biến chứng, nhiễm khuẩn huyết... nên rất dễ nhầm lẫn.


Thời gian ủ bệnh Ebola trung bình là 2 đến 21 ngày. Bệnh do virus Ebola là một bệnh nhiễm trùng nặng, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 90%. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với mô, máu và dịch cơ thể của động vật hoặc người nhiễm bệnh, có thể bùng phát thành dịch. Virus có thể lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp thông qua vết thương da hoặc niêm mạc với máu, chất tiết và dịch cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người bị nhiễm. Người cũng có thể mắc Ebola do tiếp xúc với các dụng cụ hoặc đồ vật của bệnh nhân bị nhiễm như: quần áo, chăn, kim tiêm đã sử dụng.


Hiện nay, bệnh Ebola không có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng. Nếu sốt trên 380C, có thể hạ nhiệt bằng paracetamol với liều lượng 10 - 15mg/kg cân nặng, mỗi liều cách nhau từ 4 đến 6 giờ. Đặc biệt, tránh dùng các thuốc như: diclofenac, ibupropen… vì làm rối loạn đông máu. Nếu bị mất máu thì cần được truyền máu và các chế phẩm từ máu. Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi làm xét nghiệm. Đặc biệt, lưu ý phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú vì Ebola gây nguy cơ sẩy thai, đẻ non, chảy máu sau sinh rất cao ở phụ nữ có thai. Ebola có thể truyền qua sữa mẹ, nên khi nghi ngờ mẹ bị nhiễm bệnh, mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ nhiễm bệnh. Mẹ nên ngừng cho con bú. Bệnh nhân trong quá trình điều trị, cần xét nghiệm âm tính 2 lần liên tiếp, làm cách nhau tối thiểu 48 giờ mới được chuyển ra khỏi khu vực cách ly để tiếp tục chăm sóc.


Những đối tượng có nguy cơ nhiễm virus Ebola


Các chuyên gia cảnh báo, những đối tượng có nguy cơ nhiễm virus Ebola gồm: thợ săn, người sống trong rừng có tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết (tinh tinh, vượn người, khỉ rừng, linh dương, nhím, dơi ăn quả…); thành viên trong gia đình hoặc những người có tiếp xúc gần với người bị bệnh; nhân viên lễ tang, người có tiếp xúc trực tiếp với thi thể bệnh nhân, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.


Hiện nay, dịch bệnh đã bùng phát tại 4 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria. Tính đến ngày 6-8, đã ghi nhận tổng cộng 1.779 trường hợp mắc, trong đó có 961 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các khuyến cáo nhằm hạn chế việc lây lan của virus Ebola.


Cho đến nay, bệnh do virus Ebola vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.


Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bệnh do virus Ebola.


T.L (Tổng hợp)