Từ đầu năm đến nay, Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã phẫu thuật ghép nối động mạch đùi thành công cho nhiều trường hợp bị bệnh tắc động mạch ngoại biên. Thành công này đã giúp bảo tồn chi dưới cho người bệnh.
Từ đầu năm đến nay, Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã phẫu thuật ghép nối động mạch đùi thành công cho nhiều trường hợp bị bệnh tắc động mạch ngoại biên. Thành công này đã giúp bảo tồn chi dưới cho người bệnh.
Nhiều ca thành công
Giữa tháng 6, bệnh nhân (BN) Trần Văn H. (55 tuổi, Cam Nghĩa, Cam Ranh) vào Khoa Ngoại lồng ngực BVĐK tỉnh trong tình trạng không đi lại được, mu bàn chân trái lở loét, có dấu hiệu bị hoại tử. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, BN được chẩn đoán bị tắc động mạch đùi trái mãn tính. Ê-kíp bác sĩ (BS) Khoa Ngoại lồng ngực đã phẫu thuật ghép nối động mạch đùi cho BN. Sau phẫu thuật, BN đi lại được, tình trạng đau nhức giảm hẳn.
BN H. cho biết: “5 tháng trước, tôi thấy chân bên trái hơi tê nhức, mỏi nhiều, cứ nghĩ là bệnh xương khớp của tuổi già nên mua thuốc uống nhưng không khỏi. Tháng sau, tôi thấy mu bàn chân nổi lên cục mụn màu tím bầm, kèm theo mất cảm giác vận động ở 2 chân, đi đứng không được. Gia đình đã đưa tôi đến BVĐK tỉnh điều trị. BS cho biết, tôi bị tắc mạch máu đùi mãn tính nếu để quá lâu, có thể phải cắt bỏ chân. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, chân của tôi được bảo tồn, không còn đau nhức, đi lại được. Hiện tôi đã xuất viện và đang tập vật lý trị liệu để tránh tái phát bệnh”.
Bệnh nhân mắc bệnh tắc động mạch đùi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Tương tự, BN Phạm Quốc Hoàng D. (42 tuổi, Nha Trang) nhập viện trong tình trạng đau đột ngột chân phải, cẳng bàn chân phải tím bầm. Cận lâm sàng phát hiện BN bị tắc động mạch đùi phải cấp tính do viêm tắc động mạch đùi. BN được phẫu thuật ghép động mạch đùi. Sau phẫu thuật, sức khỏe của BN ổn định, có thể cử động và đi lại được.
Đây là hai trong nhiều ca bị mắc bệnh tắc, nghẽn động mạch chi dưới đã được các BS Khoa Ngoại lồng ngực BVĐK tỉnh phẫu thuật thành công bằng phương pháp ghép động mạch đùi. Trước đây, bệnh này đều phải chuyển lên tuyến trên. BS Trần Như Quốc Hùng - Phó Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, BVĐK tỉnh cho biết: “Đây là phương pháp phẫu thuật bằng cách tạo cầu nối chỗ tắc, nghẽn bằng một tĩnh mạch ở cùng chân. Qua cầu nối, máu tiếp tục lưu thông đến các chi, giúp các chi được phục hồi. Tuy nhiên, đối với những BN đến muộn, tình trạng mạch máu bị xơ vữa nặng thì không áp dụng được phương pháp này mà phải cắt bỏ toàn bộ chân hoặc khu vực bị hoại tử”.
Dễ nhầm với bệnh xương khớp
Theo BS Cao Việt Dũng - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, từ khi thành lập đến nay (ngày 1-1-2014), Khoa Ngoại lồng ngực đã phẫu thật làm cầu nối hàng chục ca để điều trị bệnh thiếu máu nuôi dưỡng chi do tắc nghẽn động mạch đùi trong tổng số những ca bệnh lý mạch máu đang điều trị tại đây. Hầu hết BN vào viện ở giai đoạn muộn, sau thời gian đau kéo dài và thường nghĩ do bệnh xương khớp ở tuổi già. “Khi có các triệu chứng đau, mỏi và co cứng bắp chân, đùi hoặc mông khi đi bộ, phải dừng lại, ngồi nghỉ mới có thể tiếp tục đi, người bệnh nên nghĩ đến bệnh viêm, tắc động mạch chi dưới. Hiện tượng này lặp lại sau một khoảng cách đi bộ nhất định; khoảng cách đó ngắn dần chứng tỏ bệnh đang tiến triển nặng. Tiếp đó, sẽ xuất hiện tình trạng đau bàn chân và ngón chân liên tục, kể cả khi nghỉ, thậm chí gây mất ngủ, mệt mỏi vì đau chân, da chân tái và lạnh. Giai đoạn nặng hơn, bệnh sẽ gây loét và hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân (do thiếu máu nuôi dưỡng), kèm theo cảm giác đau liên tục, thuốc giảm đau không có tác dụng” - BS Dũng nói.
Bệnh tắc động mạch chi dưới là tình trạng hẹp hoặc tắc lòng động mạch chậu, đùi, khoeo, cẳng và bàn chân do xơ vữa động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm giảm dòng máu nuôi phần chi phía dưới vị trí tổn thương. Người dễ mắc bệnh này là những người thường xuyên hút thuốc lá, bị bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì...
Theo các BS, để phòng ngừa bệnh nên thường xuyên tập thể dục bằng cách đi bộ để tăng khả năng lưu thông máu ở chi dưới, không nên hút thuốc lá...
T.L