11:07, 02/07/2014

Thực hiện tốt chương trình sàng lọc sơ sinh

Trạm Y tế thị trấn Vạn Giã - huyện Vạn Ninh là đơn vị tuyến xã đầu tiên trong tỉnh được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh chọn triển khai chương trình sàng lọc sơ sinh. Qua gần 2 năm thực hiện, chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

Trạm Y tế thị trấn Vạn Giã - huyện Vạn Ninh là đơn vị tuyến xã đầu tiên trong tỉnh được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh chọn triển khai chương trình sàng lọc sơ sinh (SLSS). Qua gần 2 năm thực hiện, chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng DS tại địa phương.


Thực hiện tại trạm


Chương trình SLSS được triển khai tại Trạm Y tế Vạn Giã vào tháng 7-2012. Đây là chương trình thực hiện lấy mẫu máu gót chân của trẻ mới sinh trong vòng 2 ngày đầu để tầm soát một số bệnh lý bẩm sinh do đột biến gen mà không thể phát hiện qua siêu âm và nhìn thấy bằng mắt thường khi trẻ chào đời. Hiện nay, mẫu máu gót chân sàng lọc kiểm tra được 2 bệnh: thiếu men G6PD và suy giáp bẩm sinh.


Để  thực hiện chương trình này, 3 cán bộ y tế của Trạm đã được tập huấn nghiệp vụ. Y sĩ Trần Thị Nhành - nữ hộ sinh được tập huấn chương trình, trực tiếp thực hiện lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh cho biết: Trung bình mỗi tháng Trạm có khoảng 30 ca sinh nên chương trình triển khai tại Trạm có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên khi thực hiện lấy mẫu, Trạm gặp một số khó khăn vì ở đây hầu hết các bà mẹ trước khi sinh không hiểu về SLSS. Vì thế, khi có đợt lấy mẫu, một số bà mẹ không đồng ý cho con lấy máu gót chân. Sau khi được nhân viên y tế tư vấn, giải thích kỹ, họ mới đồng ý tham gia.

 Chị Khuê tư vấn cho gia đình có con bị thiếu men G6PD.
Chị Khuê tư vấn cho gia đình có con bị thiếu men G6PD.


Theo thống kê của Trạm, từ tháng 7-2012 đến nay, Trạm đã lấy được 272 mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh để tầm soát bệnh. Tất cả các khâu của chương trình sàng lọc được triển khai đúng quy trình. Bà Huỳnh Thị Hiên - Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, đánh giá: “Trạm Y tế Vạn Giã là đơn vị đầu tiên trong tỉnh triển khai chương trình SLSS. Từ khi triển khai đến nay, ê kíp thực hiện chương trình đã làm tốt, không xảy ra sai sót về chuyên môn. Trong nước ít có địa phương nào triển khai chương trình này tại tuyến xã”.


Nâng cao chất lượng dân số


Đa số người dân thị trấn Vạn Giã làm nghề biển nên trình độ nhận thức còn hạn chế. Đặc biệt các gia đình kinh tế khó khăn ít có điều kiện chăm sóc con cái. Vì thế, chương trình SLSS được triển khai tại thị trấn có ý nghĩa lớn trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe trẻ em.


Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (tổ dân phố 11, thị trấn Vạn Giã) cho biết, tháng 3-2013, chị sinh một bé trai khỏe mạnh tại Trạm Y tế thị trấn Vạn Giã. Sau khi sinh, chị rất ngạc nhiên khi nhân viên y tế đề nghị chị cho lấy mẫu máu gót chân của bé để tầm soát bệnh. Do chưa hiểu về lợi ích của việc làm này nên chị rất phân vân. Sau khi được nhân viên y tế giải thích, chị đã đồng ý. Kết quả xét nghiệm bé khỏe mạnh bình thường, chị rất mừng.

 

Chương trình SLSS thuộc Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 6-2011. Từ 30 xã, phường, thị trấn thuộc 5/9 huyện, thị, thành phố năm 2011, đến năm 2013, Đề án đã mở rộng ra 92 xã, phường, thị trấn thuộc 8/9 huyện, thị xã, thành phố.

Chị Ngô Thị Mỹ Nga (tổ dân phố 4, thị trấn Vạn Giã) cũng cho biết: Con chị sinh tại Trạm tháng 2-2013. Kết quả xét nghiệm SLSS cho thấy con chị bị thiếu men G6PD. Ban đầu chị rất lo lắng, nhưng được hướng dẫn vào tuyến tỉnh gặp bác sĩ tư vấn cách chăm sóc, điều trị nên đến nay sức khỏe con chị ổn định và phát triển bình thường. “Phát hiện cháu bị bệnh, gia đình tôi rất lo. Nhờ tham gia chương trình nên mới phát hiện con bị bệnh sớm và theo dõi, điều trị kịp thời” - chị Nga nói.


Từ khi triển khai chương trình SLSS, đến nay Trạm Y tế Vạn Giã đã phát hiện 2 trường hợp bị thiếu men G6PD. Trạm đã hướng dẫn gia đình đưa các cháu vào Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh để được tư vấn và hướng dẫn chăm sóc, điều trị. Hiện sức khỏe 2 cháu bình thường, khỏe mạnh. “Ngoài thực hiện tầm soát, phát hiện điều trị sớm để tránh tật bệnh về sau, qua thực hiện chương trình, chúng tôi còn tuyên truyền về việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là ngư dân vùng biển về nâng cao chất lượng giống nòi” - chị Nguyễn Thị Kim Khuê, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ thị trấn Vạn Giã cho biết.


Lưu Khánh