Dự kiến, cuối tháng 7-2014, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone sẽ triển khai thí điểm tại TP. Nha Trang. Để mô hình này đạt hiệu quả, cần có sự chung tay của các cấp, ngành.
Dự kiến, cuối tháng 7-2014, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone sẽ triển khai thí điểm tại TP. Nha Trang. Để mô hình này đạt hiệu quả, cần có sự chung tay của các cấp, ngành.
Những chuyển biến tích cực
Bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiệu quả của việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được minh chứng ở nhiều quốc gia trên thế giới và ở một số tỉnh, thành trong nước. Hiện nay, trên thế giới có 70 nước triển khai chương trình này. Tại Việt Nam, năm 2008, TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương triển khai thí điểm đầu tiên. Đến nay, chương trình này đã mở rộng đến 30 tỉnh, thành với 80 cơ sở điều trị. Tổng số bệnh nhân đang được điều trị hơn 15.500 người.
Đến thời điểm này, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý hơn 1.100 người. Trong đó, TP. Nha Trang nhiều nhất với hơn 600 người, chiếm 84,95% người nghiện ma túy sử dụng heroin. Tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tăng và phức tạp, 67,98% đối tượng phạm tội là thanh niên. |
Sau thời gian triển khai, chương trình đã mang lại những kết quả tích cực như: giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị (sau 6 tháng điều trị, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng heroin giảm xuống còn 14,05%, sau 12 tháng điều trị giảm còn 9,05% và sau 24 tháng còn 8,41%). Trong số bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng ma túy, đã có sự giảm về tần suất sử dụng so với trước khi điều trị. Ngoài ra, sau thời gian tham gia chương trình, đa số bệnh nhân đều có chuyển biến tích cực về sức khỏe, tinh thần và cuộc sống, thời gian tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định cũng như chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, sau 2 năm điều trị, tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 40,8% xuống còn 1,34%; tỷ lệ bệnh nhân có hành vi bán, cầm đồ đạc, nói dối hoặc cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm nhanh từ 90% xuống còn 1,4%; mâu thuẫn trong gia đình, xã hội giảm mạnh...
Trước những lợi ích tích cực trên, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thí điểm chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại TP. Nha Trang trong 2 năm 2014 và 2015. Theo đó, mục tiêu chung của chương trình là góp phần làm giảm lây nhiễm HIV cũng như một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện và từ nhóm nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng; cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng này. Cụ thể, trong 2 năm, sẽ triển khai thí điểm một cơ sở điều trị Methadone tại TP. Nha Trang. Sau năm 2015, tiếp tục duy trì cơ sở điều trị tại Nha Trang, đồng thời xem xét tính hiệu quả để nhân rộng mô hình tại một số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Số lượng người nghiện được điều trị khoảng 400 người/ngày. Dự kiến, chương trình sẽ được triển khai vào cuối tháng 7-2014.
Cần sự phối hợp
Đối tượng tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại TP. Nha Trang phải đáp ứng đủ các quy định như: người nghiện các chất dạng thuốc phiện; có nơi cư trú rõ ràng; tự nguyện tham gia và cam kết tuân thủ điều trị; không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Đối với những người chưa đủ 16 tuổi, chỉ được điều trị sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. |
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, so với các tỉnh, thành khác, tỉnh Khánh Hòa triển khai chương trình này khá chậm. Đến thời điểm này, về mặt pháp lý đã được Sở Y tế thực hiện đầy đủ, đã thành lập Khoa Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trực thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh với cơ cấu nhân sự gồm 13 nhân viên. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, nhân sự nên trong giai đoạn thí điểm, chỉ mới tuyển dụng 5 vị trí gồm: bác sĩ điều trị, nhân viên cấp phát thuốc, nhân viên tư vấn và nhân viên hành chính. Các nhân sự khác như: lãnh đạo, kế toán, xét nghiệm, bảo vệ..., người của Trung tâm sẽ kiêm nhiệm. Về cơ sở điều trị thí điểm, sẽ tận dụng cơ sở của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. “Để chương trình này đạt hiệu quả cao, một mình ngành Y tế sẽ không thực hiện nổi, cần có sự chung tay tích cực của các cấp, ngành, địa phương” - bác sĩ Bùi Xuân Minh khẳng định.
Mới đây, tại hội nghị đồng thuận chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone do Sở Y tế tổ chức, lãnh đạo các địa phương, công an đều có sự nhất trí cao trong việc phối hợp thực hiện chương trình. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, để vận động được 400 người nghiện tham gia chương trình là việc không dễ. Muốn làm được điều này, ngành Y tế phải có biện pháp phối hợp tuyên truyền thích hợp để người nghiện thấy được hiệu quả của chương trình và tự nguyện tham gia. Ông Trần Minh - Trưởng Công an phường Xương Huân (TP. Nha Trang) cho rằng: “Bên cạnh việc tuyên truyền trên phương tiện truyền thông, ngành Y tế nên phối hợp với địa phương mời các đối tượng này đến để tổ chức nói chuyện về những ưu điểm của chương trình. Qua đó, người nghiện mới biết được những lợi ích cụ thể của chương trình mà tự nguyện và tích cực tham gia. Có như thế, việc vận động mới dễ thực hiện”.
Hy vọng, với những giải pháp trên, việc triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Khánh Hòa sẽ thuận lợi, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, hạn chế số người sử dụng ma túy tại cộng đồng.
THẢO LY