08:07, 21/07/2014

Chăm sóc trẻ đúng phương pháp khoa học

Việc chăm sóc và nuôi nấng trẻ khoa học là điều cha mẹ cần chú ý áp dụng nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện hơn, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho tương lai.

Việc chăm sóc và nuôi nấng trẻ khoa học là điều cha mẹ cần chú ý áp dụng nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện hơn, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho tương lai.


- Dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi của trẻ: Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics - AAP), trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ có sức đề kháng hoàn hảo giúp trẻ chống chọi hiệu quả với bệnh tật. Ngược lại, trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc nuôi dưỡng kém thường dễ nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cao gấp 2 lần trẻ có tình trạng dinh dưỡng tốt. Đặc biệt, khi mắc bệnh, trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị bệnh nặng hơn và thường xuất hiện nhiều biến chứng. Đối với trẻ nhỏ, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, vì sữa mẹ là “liều vắc xin đầu đời” giúp trẻ phòng bệnh (nó có thể giảm tới 13% số ca tử vong trẻ em dưới 5 tuổi); sau đó tiếp tục bổ sung nguồn sữa mẹ cho đến khi trẻ tròn 1 tuổi. Trẻ từ 6 tháng tuổi, phụ huynh nên cho trẻ ăn dặm đúng cách và phù hợp theo lứa tuổi để trẻ phát triển khỏe mạnh, đặc biệt không quên bổ sung những khoáng chất và các loại vitamin thiết yếu từ rau xanh, trái cây tươi và cho trẻ tắm nắng mỗi buổi sáng trước 9 giờ.


- Ngủ đủ giấc và đúng giờ: Trong lúc ngủ, hoóc-môn tăng trưởng được giải phóng sẽ giúp các chất dinh dưỡng được hấp thụ tốt hơn, đặc biệt hoóc-môn này cũng giúp tăng trưởng xương và sụn của trẻ một cách tối ưu nhằm giúp trẻ có một chiều cao lý tưởng. Nó còn giúp trẻ nâng cao sức đề kháng.


- Luyện tập thể lực thường xuyên: Sẽ có tác động tích cực lên hệ miễn dịch của trẻ, giúp trẻ có một vóc dáng cân đối về sau, trẻ sẽ lanh lợi và thông minh hơn hẳn những trẻ ít vận động; đồng thời, sự tiếp xúc với môi trường tự nhiên sẽ giúp cơ thể trẻ dần có được nguồn kháng thể chất lượng.


- Giữ vệ sinh cá nhân: Vệ sinh tay được xem là liều “vắc xin miễn phí” và rất hiệu quả giúp trẻ tránh được rất nhiều tật bệnh lây lan qua con đường tay - miệng và phân - miệng. Việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch có thể ngăn chặn tới 47% các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và hơn 30% các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp cấp tính.


- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho trẻ: Qua các đợt khám, bác sĩ sẽ phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe của trẻ. Một số bệnh nếu phát hiện muộn có thể để lại những di chứng nặng nề. Với trẻ nhỏ, trong năm đầu đời, việc khám sức khỏe định kỳ nên được thực hiện hàng tháng; với trẻ lớn, việc khám sức khỏe sẽ được thực hiện 6 tháng/lần.


- Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo lứa tuổi trẻ: Điều này đồng nghĩa với việc làm gia tăng hiệu quả hoạt động hệ thống miễn dịch, giúp trẻ phòng tránh các bệnh lý nguy hiểm cũng như ngăn ngừa những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.


- Thực hiện tốt 3 nguyên tắc chăm sóc trẻ bệnh tại nhà với mọi bệnh lý: Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường (khi trẻ bệnh, cơ thể rất dễ bị mất nước, trẻ được bổ sung đủ nước sẽ mau lành bệnh và qua được cơn nguy hiểm). Cho trẻ ăn như bình thường, nếu ăn được nhiều hơn thì càng tốt, nên phân nhỏ bữa ăn của trẻ để trẻ có thể nhận đủ lượng thức ăn. Cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy tình trạng sức khỏe của trẻ không cải thiện hoặc trầm trọng hơn sau 2 - 3 ngày chăm sóc tích cực tại nhà.


T.L (Theo suckhoedoisong.vn)