12:06, 26/06/2014

Cần làm gì khi vừa mắc đái tháo đường và tăng huyết áp?

Tăng huyết áp và đái tháo đường là hai bệnh riêng biệt nhưng thường đi song hành với nhau, đã mắc đái tháo đường rất dễ bị tăng huyết áp và ngược lại.

 

Tăng huyết áp và đái tháo đường (ĐTĐ) là hai bệnh riêng biệt nhưng thường đi song hành với nhau, đã mắc ĐTĐ rất dễ bị tăng huyết áp và ngược lại.

Tiêu chí để chẩn đoán ĐTĐ là đo glucose trong mẫu máu tĩnh mạch (mẫu máu lấy buổi sáng, sau khi nhịn ăn 8 giờ) có kết quả ≥ 126 mg/dL. Tiêu chí chẩn đoán tăng huyết áp bằng phương pháp đo huyết áp, thấy huyết áp tâm thu (còn gọi huyết áp tối đa) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (còn gọi huyết áp tối thiểu) ≥ 90 mmHg.

Nhiều nghiên cứu cho thấy người mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp gấp 2,5 lần so với người không bị ĐTĐ. Những người mắc bệnh ĐTĐ tuổi càng cao, tỷ lệ mắc tăng huyết áp cũng tăng lên. Đối với phụ nữ bị tăng huyết áp, nguy cơ mắc ĐTĐ tuýp 2 gấp 3 lần so với những phụ nữ có huyết áp bình thường. Các nghiên cứu cũng cho thấy, người mắc ĐTĐ và tăng huyết áp có nguy cơ bị biến chứng bệnh tim mạch gấp 2 lần so với người ĐTĐ không tăng huyết áp. Ở người mắc cả 2 bệnh ĐTĐ và tăng huyết áp, việc điều trị tăng huyết áp thường gặp khó khăn hơn so với người chỉ mắc tăng huyết áp. Khi bệnh tăng huyết áp kéo dài sẽ gây tổn thương các mạch máu nhỏ, mạch máu lớn, nếu không được điều trị sẽ gây ra bệnh lý ở mắt, thận, tim mạch, và có thể biến chứng tai biến mạch máu não. Bệnh tăng huyết áp sẽ làm tăng thêm các yếu tố nguy cơ vốn đã tăng ở bệnh nhân ĐTĐ như bệnh mạch vành, biến chứng ở các mạch máu...


Bệnh nhân ĐTĐ khi phát hiện có tăng huyết áp thường được bác sĩ chuyên khoa tim mạch thực hiện thêm các xét nghiệm như siêu âm động mạch, siêu âm tim nhằm đánh giá phì đại thất trái, chức năng tâm trương... xét nghiệm tìm micro albumine trong nước tiểu, soi đáy mắt, khám bàn chân; đo chỉ số huyết áp tâm thu còn gọi là chỉ số huyết áp cổ chân/cánh tay, có khi còn cần phải theo dõi huyết áp trong 24 giờ (Holter huyết áp 24 giờ). Một khi huyết áp được hạ thấp sẽ giảm được các biến chứng tim mạch, biến chứng bệnh võng mạc, giảm được biến chứng bệnh thận ở bệnh nhân ĐTĐ. Thường nếu huyết áp tâm thu giảm 10 mmHg sẽ giảm được 12% nguy cơ các biến chứng liên quan tới bệnh ĐTĐ, giảm 15% nguy cơ tử vong do ĐTĐ, giảm 11% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, giảm 13% nguy cơ biến chứng ở các mạch máu nhỏ.


Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo cần phải điều trị tăng huyết áp tích cực ở người ĐTĐ, phải xem đây là ưu tiên số 1. Có những tác giả còn cho rằng kiểm soát tốt huyết áp thậm chí còn quan trọng hơn cả kiểm soát đường máu. Ở bệnh nhân ĐTĐ cần duy trì mức huyết áp ≤ 130/80 mmHg là mức tối ưu. Để kiểm soát được tăng huyết áp, biện pháp hữu hiệu nhất là dùng thuốc bằng cách phối hợp nhiều loại thuốc. Nền tảng điều trị của tăng huyết áp và ĐTĐ đều bao gồm thay đổi lối sống với chế độ ăn uống và tập luyện thích hợp. Những người thừa cân, béo phì cần phải giảm trọng lượng cơ thể, duy trì cân nặng lý tưởng là BMI = 19-23 kg/m2. Chỉ số BMI được tính bằng cách lấy trọng lượng cơ thể (kg) chia cho chiều cao (m) nhân với chiều cao (m). Vận động thể lực thích hợp ít nhất 30 phút mỗi ngày, nên chọn lựa những hình thức vận động làm tăng sức bền cơ thể, hạn chế các hoạt động với cường độ mạnh. Người bệnh cần thư giãn, tránh căng thẳng, hạn chế uống rượu, nếu có hút thuốc nên bỏ hút thuốc; chế độ ăn giảm muối và chất béo, giàu chất xơ (ít nhất 14 gam chất xơ/1.000 kcal). Việc điều trị thuốc, người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Thường bác sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc tăng huyết áp như kết hợp giữa thuốc ức chế men chuyển và thuốc đối kháng kênh chẹn calci hoặc thuốc lợi niệu thiazid liều thấp. Các thuốc ức chế men chuyển hiện nay thường được chỉ định sử dụng cho người bị ĐTĐ có tăng huyết áp, cho dự phòng biến chứng thận, thuốc cũng được chỉ định dự phòng với liều thấp dù chưa có tăng huyết áp. Khi mắc bệnh ĐTĐ, lần khám đầu tiên người bệnh cần được đánh giá tình trạng glucose máu, chức năng gan, thận, các chỉ số cân nặng, huyết áp, lipit máu... tầm soát các biến chứng mạn tính của ĐTĐ. Các lần khám định kỳ người bệnh cần được theo dõi glucose máu, huyết áp, cân nặng và khám bàn chân. Thực hiện xét nghiệm kiểm tra HbA1c mỗi 3 tháng hoặc ít nhất 2 lần/năm. Nếu glucose máu lúc đói và glucose máu sau ăn kiểm soát tốt xét nghiệm Albumine nước tiểu và khám đáy mắt mỗi năm một lần.


Tăng huyết áp và ĐTĐ là hai bệnh ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Bệnh trước đây thường gặp ở tuổi trung niên trở đi nhưng nay xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở người trẻ. Một vấn đề cũng cần chú ý, khi phát hiện mắc bệnh ĐTĐ thường bệnh đã mắc trong nhiều năm mà người bệnh không biết, không đi kiểm tra sức khỏe. Kiểm soát huyết áp cũng như kiểm soát glucose máu và lipit máu là những vấn đề rất quan trọng đối với người ĐTĐ tuýp 2. Qua theo dõi, bằng sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra.


Bs Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Khánh Hòa)