03:06, 17/06/2014

Bệnh ung thư vú và biện pháp phòng ngừa

Hiện nay, nhóm tuổi mắc bệnh ung thư vú cao nhất ở Việt Nam là 40 - 44 tuổi, tuy nhiên cũng có những trường hợp 20 - 30 tuổi đã mắc bệnh. Vì thế, để phòng ngừa căn bệnh này, phụ nữ nên thường xuyên tự kiểm tra để phát hiện và điều trị sớm.

Hiện nay, nhóm tuổi mắc bệnh ung thư vú cao nhất ở Việt Nam là 40 - 44 tuổi, tuy nhiên cũng có những trường hợp 20 - 30 tuổi đã mắc bệnh. Vì thế, để phòng ngừa căn bệnh này, phụ nữ nên thường xuyên tự kiểm tra để phát hiện và điều trị sớm.


Ung thư vú đang gia tăng


Hiện nay, trên thế giới, ung thư vú được xếp vào loại ung thư phổ biến nhất. Mỗi năm, có khoảng 12 triệu trường hợp mắc mới ung thư thì ung thư vú ở phụ nữ chiếm đến 1,4 triệu trường hợp. Theo Bệnh viện K trung ương, hàng năm, cả nước có gần 14.000 trường hợp phát hiện mắc bệnh ung thư vú. Tại Hà Nội, từ năm 1988 đến nay, trong số 30.000 trường hợp mới mắc ung thư ở phụ nữ thì ung thư vú chiếm tới 7.000 ca, đứng đầu các bệnh ung thư ở phụ nữ. Tỷ lệ mới mắc ung thư vú ở Hà Nội là 30/100.000 dân; tại TP. Hồ Chí Minh là 20/100.000 dân; các thành phố khác chiếm từ 15 đến 22%, cao nhất trong 10 loại ung thư thường gặp. Tuy nhiên, có đến 70% trường hợp phụ nữ mắc bệnh này đến bệnh viện khá muộn, thường đã ở giai đoạn II trở đi.


Hiện tại, vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra ung thư vú. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: tuổi càng cao nguy cơ càng tăng; nếu đã mắc ung thư vú một bên, bên còn lại cũng có nguy cơ bị mắc; trong gia đình đã có người mắc ung thư vú. Một số yếu tố khác như: có con muộn hoặc không sinh đẻ; sử dụng nội tiết tố thay thế ở thời kỳ mãn kinh; béo phì sau mãn kinh; người ít hoạt động thể chất, hút thuốc, uống rượu bia nhiều.

 

Hiện nay, nhóm tuổi mắc bệnh ung thư vú cao nhất ở Việt Nam là 40 - 44 tuổi, tuy nhiên cũng có những trường hợp 20 - 30 tuổi đã mắc bệnh. Vì thế, để phòng ngừa căn bệnh này, phụ nữ nên thường xuyên tự kiểm tra để phát hiện và điều trị sớm.
 Tầm soát bệnh ung thư vú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Thảo Ly


Kiến thức phòng bệnh còn thấp


Kết quả nghiên cứu kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống bệnh ung thư trên 1.000 người tại tỉnh Khánh Hòa (năm 2012) do Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện cho thấy, gần 1/4 đối tượng tham gia nghiên cứu cho rằng, ung thư là bệnh không thể chữa khỏi và khó phòng ngừa; hơn 1/5 cho rằng, ung thư có thể lây từ người này sang người khác. Điều đó cho thấy, kiến thức về ung thư của người bệnh nói chung và ung thư vú nói riêng còn thấp.


Theo bác sĩ Quách Văn Hiển - Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều trường hợp ung thư vú ở phụ nữ đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những trường hợp phát hiện giai đoạn sớm. Nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Thị Như Tú - Sở Y tế tỉnh Bình Định về mối liên quan giữa một số yếu tố ảnh hưởng đến kiến thức ung thư vú trên 772 phụ nữ ở Bình Định (năm 2010) cho thấy, các kiến thức về: tỷ lệ mắc, điều trị và dự phòng, những dấu hiệu của bệnh đều rất thấp. Điểm trung bình về kiến thức chung chỉ đạt 4/14 điểm. Nghiên cứu cũng cho thấy, kiến thức, hiểu biết về bệnh ung thư vú ở các nhóm phụ nữ có khác nhau. Cụ thể, nhóm phụ nữ có nghe đài, xem ti vi, đọc báo, nghe phát thanh thường xuyên có kiến thức, hiểu biết về căn bệnh này cao hơn từ 2 đến 8 lần so với nhóm không tiếp cận thông tin; nhóm phụ nữ dưới 50 tuổi cao gấp 3,5 lần so với nhóm phụ nữ trên 50 tuổi; nhóm phụ nữ dân tộc Kinh cao gấp 5,6 lần so với nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số; nhóm phụ nữ thành thị, đồng bằng cao gấp 2 lần so với khu vực miền núi; nhóm phụ nữ có gia đình hoặc người quen biết mắc bệnh ung thư cao gấp 1,8 lần so với nhóm không có gia đình hoặc người quen biết mắc bệnh ung thư.


Biện pháp phòng ngừa


Việc phát hiện sớm các khối u ở vú sẽ giúp tăng cơ hội chữa khỏi bệnh. Nếu phát hiện ngay từ giai đoạn sớm, khi tế bào ung thư còn chưa di căn, tỷ lệ chữa khỏi là 98%. Những trường hợp khối u phát hiện vào giai đoạn trễ hoặc đã có di căn, cơ hội điều trị khỏi chỉ còn 27%. Thực tế cho thấy, có đến 55% người bệnh đã phát hiện được dấu hiệu bất thường, nhưng sau 2 tháng hoặc hơn nữa mới đến bệnh viện để thăm khám và điều trị ung thư vú. Việc điều trị ung thư vú giai đoạn muộn sẽ làm tăng chi phí gấp nhiều lần so với chi phí điều trị ở giai đoạn đầu của bệnh.


Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khuyên, hàng tháng, phụ nữ cần tự mình kiểm tra vú để xem có cục u hay không. Phụ nữ tuổi 30 trở đi nếu sờ nắn thấy trong vú có một cục u không đau hoặc hơi đau thì nên đi khám ngay. Thực tế, nhiều phụ nữ rất lo khi vú bị đau (thường không phải là ung thư) mà lại xem thường cục u không đau. Đối với triệu chứng ung thư vú, ban đầu, ung thư có thể im lìm, dấu hiệu đáng lưu ý nhất là một cục hoặc một chỗ dày trong vú. Ở giai đoạn muộn, vú sẽ thay đổi hình dáng, da vú xù xì như da cam, ngứa, quầng vú, núm vú chảy dịch đỏ, núm vú thụt vào, sờ có hạch ở nách.


Các biện pháp để phòng ngừa ung thư vú: cần tăng cường vận động thể chất; duy trì cân nặng cân đối, ổn định; hạn chế thuốc lá, rượu bia; phụ nữ sau 40 tuổi nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa siêu âm định kỳ để kiểm tra vú 1 lần/năm. Nếu phụ nữ có sử dụng thuốc nội tiết thay thế ở thời kỳ mãn kinh, cần phải được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và kê đơn.


BS. Tôn Thất Toàn
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)