Việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân nhằm đảm bảo cho mọi người đều được hưởng các dịch vụ y tế mà không phải chịu gánh nặng về tài chính. Ở nước ta, bảo hiểm y tế toàn dân còn được coi như một cơ chế để đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế, đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Việc thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân nhằm đảm bảo cho mọi người đều được hưởng các dịch vụ y tế (DVYT) mà không phải chịu gánh nặng về tài chính. Ở nước ta, BHYT toàn dân còn được coi như một cơ chế để đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận các DVYT, đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Hiện nay, cả nước có khoảng 60 triệu người tham gia BHYT, chiếm khoảng 70% số dân cả nước. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp chỉ có 53% số người lao động tham gia BHYT. Năm 2013, tỉnh Khánh Hòa có tỷ lệ người tham gia BHYT đạt hơn 60%. Một số tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, chưa xác định tỷ lệ người dân, người lao động tham gia BHYT như một chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.
Các nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vừa được Quốc hội xem xét thông qua quy định BHYT đã trở thành hình thức bảo hiểm bắt buộc, được áp dụng đối với các đối tượng. Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, các thành viên trong gia đình sẽ được giảm dần mức đóng phí BHYT. Luật đã bổ sung thêm đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an cũng tham gia BHYT.
Chăm sóc điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh. |
Về quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi, theo quy định hiện nay, thẻ BHYT chỉ có giá trị sử dụng đến ngày trẻ 72 tháng tuổi, điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em. Luật mới sửa đổi đã mở rộng quyền lợi cho trẻ em bằng quy định: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 31-9 của năm đó. Luật cũng đã bổ sung quy định thanh toán BHYT đối với trường hợp trẻ em bị tật khúc xạ, cận thị cần phải can thiệp điều trị.
Luật BHYT hiện hành quy định phạm vi quyền lợi BHYT đầy đủ, toàn diện, không giới hạn DVYT được cung cấp, điều này làm khó kiểm soát được chi phí khám BHYT. Để khắc phục tình trạng này, Luật sửa đổi đã bổ sung khái niệm: “Gói DVYT cơ bản do BHYT chi trả là những DVYT thiết yếu cho cấp cứu, khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT”. Theo Vụ BHYT (Bộ Y tế), so với một số nước, gói DVYT cơ bản của Việt Nam rộng và toàn diện hơn nhiều.
Luật sửa đổi bổ sung mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia BHYT. Người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT về tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 100%, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.
Ngành Y tế với các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đồng bộ đã và đang triển khai, đồng thời tiếp tục tăng cường chất lượng DVYT tuyến cơ sở, trong đó tập trung vào tuyến xã, phường nhằm nâng cao chất lượng cung cấp DVYT, thu hút người dân tham gia BHYT khám, chữa bệnh ngay tại cơ sở. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A (H5N1), cúm A(H7N9), bệnh sởi... trên cả phương diện điều trị, dự phòng và truyền thông.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (Universal Health Coverage - UHC) là sự đảm bảo để mọi người dân khi cần có thể sử dụng các dịch vụ nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ có chất lượng và hiệu quả; đồng thời đảm bảo rằng, việc sử dụng các dịch vụ này không làm cho người sử dụng gặp phải khó khăn tài chính.
BS. TÔN THẤT TOÀN (Trung tâm
Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)