"Theo chàng về dinh" đã 6 năm nhưng chị L. vẫn chưa được hưởng hạnh phúc làm mẹ. Thấy bạn bè có con bồng con bế, chị không khỏi chạnh lòng…
“Theo chàng về dinh” đã 6 năm nhưng chị L. vẫn chưa được hưởng hạnh phúc làm mẹ. Thấy bạn bè có con bồng con bế, chị không khỏi chạnh lòng…
Một ngày ở khu hiếm muộn
Theo lịch hẹn, chị Y. (31 tuổi) và anh H. (36 tuổi, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tỉnh Khánh Hòa để khám, điều trị hiếm muộn. Vợ chồng chị cưới nhau đã hơn 1 năm nhưng vẫn chưa có tin vui. Đi khám, chị Y. được cho biết là hoạt động của trứng không hiệu quả, còn anh H. bị tinh trùng kết đám. Bác sĩ (BS) Phan Thị Như Mỹ, Trưởng khoa Dược cận lâm sàng xem lại tập hồ sơ khám bệnh của hai vợ chồng rồi tận tình tư vấn, hướng dẫn.
Ngồi đợi lấy kết quả xét nghiệm, M. (20 tuổi, xã Vĩnh Hiệp, Nha Trang) cứ nhấp nhổm, hết ngó bên này lại nhìn bên kia. M. kể: “Em lấy chồng năm 18 tuổi, chẳng kế hoạch gì. Đợi mãi mà vẫn chưa dính bầu”. Nói xong, M. nhìn sang phía người chồng mặt còn non choẹt, rồi quay sang chị ngồi cạnh tiếp lời: “Em thì bình thường, còn anh ấy phải giục mãi mới chịu đi khám... Nghe nói muốn thụ tinh trong ống nghiệm thì phải vào TP. Hồ Chí Minh, tốn kém lắm hả chị?”. Chị ngồi cạnh tên L. (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) động viên: “Em còn trẻ, cứ lo chạy chữa. Chị cưới đã 6 năm, giờ gần 40 tuổi rồi mà vẫn chưa có gì. Bác sĩ bảo chị bị đa nang buồng trứng.” Chị L. kể, chồng chị là con trưởng, ông bà thèm có cháu bế lắm. Hai người hết vào Nam ra Bắc, rồi Đông Tây y chạy chữa đủ cả, cứ nghe ở đâu chữa được vô sinh, anh chị đều tìm đến. Chồng chị còn chịu khó ăn toàn đồ bổ cho “lên sức”. Xem bói, thầy phán năm ngoái có con, thế mà đợi mãi chẳng thấy. “Thỉnh thoảng mẹ chồng kể chuyện con cháu nhà này nhà kia mà chị cứ có cảm giác như nói bóng gió mình. Thấy bạn bè khoe con, nhiều lúc tủi thân đến phát khóc. Cũng chỉ vì chuyện con cái mà hai vợ chồng nhiều lúc cơm không lành, canh chẳng ngọt. Chồng bảo, tiền nhiều cũng chẳng bằng có một mụn con nối dõi...” - chị L. thở dài.
Bác sĩ Phan Thị Như Mỹ tư vấn hiếm muộn cho chị Y. |
Khu khám hiếm muộn tại Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 5 đến 7 trường hợp đến thăm khám, điều trị. Trong đó có không ít trường hợp vô sinh sau khi đã có con. Chị K. (xã Vĩnh Hiệp, Nha Trang) sinh con gái đầu lòng năm 23 tuổi. Sau đó, chị kế hoạch bằng phương pháp đặt vòng. 8 năm sau, hai vợ chồng muốn có thêm đứa nữa cho “vui cửa vui nhà”, nhưng đã gần 2 năm mà vẫn chưa thấy gì. Nghe BS kết luận mình bị vô sinh thứ phát do tắc vòi trứng, chị K. buồn lắm.
Cảm thông và chia sẻ
Theo BS Phạm Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, trước đây nhiều người vẫn có quan niệm, không sinh được con là lỗi của người phụ nữ. Nhưng thực tế, tình trạng hiếm muộn, vô sinh xuất phát từ hai giới ngang nhau, người vợ chiếm 40%, do chồng 40% (trong đó do cả hai vợ chồng chiếm từ 20 - 25%), còn lại không rõ nguyên nhân. Hiếm muộn bắt nguồn từ các bệnh viêm nhiễm, lây lan qua đường tình dục, trẻ vị thành niên quan hệ tình dục trước hôn nhân rồi nạo phá thai không an toàn... Ở phụ nữ thường là tắc vòi trứng, không rụng trứng, buồng trứng đa nang. Phụ nữ càng lớn tuổi, nhất là trên 35 tuổi, khả năng sinh sản càng giảm. Đối với nam, chủ yếu do tinh trùng yếu, tắc ống dẫn tinh. Yếu tố tâm lý trong cuộc sống hay những bất hòa trong việc “chăn gối” cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc có con.
Năm 2013, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh đã thăm khám, điều trị hiếm muộn cho hơn 800 người. Theo BS Phan Thị Như Mỹ, khoảng 20 - 25% bà mẹ đã sinh nở mẹ tròn, con vuông nhờ phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). |
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 8%. Còn tại Khánh Hòa, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng BS Khôi cho rằng những năm gần đây, số cặp vợ chồng khó khăn về đường con cái ngày càng nhiều. Trong đó, tình trạng vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi đã có con) khá phổ biến. Nguyên nhân do nạo hút thai không an toàn, gây viêm nhiễm, tắc vòi trứng.
Các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn cần được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết. Người chồng được khám tiền sử nội khoa, ngoại khoa, xét nghiệm tinh trùng đồ, HIV, giang mai... Còn người vợ cần khám phụ khoa, siêu âm tổng quát... Tùy theo kết quả, các BS sẽ có phương pháp điều trị phù hợp, nếu cần sẽ tiến hành bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Nếu chưa có kết quả, Trung tâm Chăm sóc SKSS sẽ tiếp tục điều trị hoặc chuyển tuyến (vào Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh).
BS Phan Thị Như Mỹ cho biết: “Khi gặp trục trặc về đường con cái, người vợ thường đi khám trước. Nếu vợ không có vấn đề gì thì các ông chồng mới đi khám. Trong khi đó, đúng ra người chồng nên đi khám trước, bởi việc khám cho nam giới rất đơn giản, chỉ cần xét nghiệm tinh dịch là có thể đánh giá được 70 - 80% khả năng có con hay không. Các cặp vợ chồng trước khi kết hôn cũng nên đi khám tiền hôn nhân để phát hiện, điều trị sớm các bệnh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản”. Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng không nên kéo dài khoảng cách giữa 2 lần sinh con. Tốt nhất, sau khi sinh con đầu lòng từ 3 - 5 năm thì nên sinh con thứ hai.
Rời khu hiếm muộn, nhiều người không giấu được vẻ căng thẳng, lo âu. Theo BS Khôi, các cặp vợ chồng hiếm muộn cần cảm thông, chia sẻ cho nhau để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau kiên trì điều trị hiếm muộn, và niềm vui cũng mở ra từ đó...
Anh Thái - Minh Thiết