11:04, 22/04/2014

Những điều cần biết về bệnh sởi

Trong bối cảnh dịch bệnh sởi đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, để giúp người dân chủ động phòng tránh bệnh sởi, Khánh Hòa online giới thiệu bài viết của TS.BS Lê Tấn Phùng - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Khánh Hòa) về dịch bệnh này.

Trong bối cảnh dịch bệnh sởi đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, để giúp người dân chủ động phòng tránh bệnh sởi, Khánh Hòa online giới thiệu bài viết của TS.BS Lê Tấn Phùng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Khánh Hòa) về dịch bệnh này.

 


* Bệnh sởi là gì? Nguyên nhân gây bệnh?


Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra. Đây là bệnh có mức độ lây nhiễm cao, dễ gây thành dịch.


* Ai có thể mắc sởi?


Sởi là bệnh ở người và ai cũng có khả năng mắc sởi, kể cả người lớn lẫn trẻ em.


* Bệnh sởi lây lan như thế nào?


Sởi lây qua đường hô hấp. Người mắc sởi khi ho, hắt hơi sẽ phóng thích vi rút sởi ra ngoài không khí. Người lành khi hít phải không khí có chứa vi rút sởi có thể mắc bệnh. Ngoài ra, sởi còn có thể lây thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của bệnh nhân. Do đó, việc cách ly bệnh nhân, cho bệnh nhân mang khẩu trang hoặc tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc sởi là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.


* Vi rút sởi tồn tại ở môi trường và còn có khả năng gây bệnh trong thời gian bao lâu?


Vi rút sởi khi được phóng thích ra môi trường bên ngoài thông qua bệnh nhân hắt hơi, ho sẽ tồn tại trong không khí hoặc các bề mặt như bàn, ghế, tay nắm của, cầu thang ... trong vòng 2 giờ và còn khả năng gây bệnh.


* Bệnh nhân mắc sởi sẽ lây bệnh cho người khác trong thời gian bao lâu?


Bệnh nhân mắc sởi sẽ lây cho người khác trong khoảng thời gian 5 ngày trước khi phát ban và 5 ngày sau khi phát ban. Ngoài thời gian này, nguy cơ lây nhiễm cho người khác rất thấp.


* Thời gian ủ bệnh của bệnh sởi là bao lâu? Triệu chứng của bệnh sởi là gì?


Thời gian ủ bệnh của bệnh sởi từ 7 - 18 ngày, trung bình là 10 ngày.


Triệu chứng xuất hiện đầu tiên của bệnh sởi là sốt cao, kéo dài 4 - 7 ngày, có thể kèm theo chảy mũi nước, mắt đỏ và chảy nước mắt, và có thể có những hạt trắng nhỏ bên trong má (gọi là hạt Koplik). Sau vài ngày, ban xuất hiện, bắt đầu ở mặt và cổ. Trong vòng khoảng 3 ngày, ban sẽ lan khắp cơ thể, đến bàn tay và bàn chân. Ban tồn tại trong 5 - 6 ngày, sau đó ban sẽ nhạt dần.


Sởi sẽ gây bệnh nặng ở trẻ em suy dinh dưỡng, nhất là trẻ thiếu Vitamin A, những người bị suy giảm miễn dịch như bị nhiễm HIV hoặc do các bệnh lý khác.


* Biến chứng của sởi là gì?


Sởi sẽ gây ra các biến chứng trầm trọng và là nguyên nhân gây tử vong. Các biến chứng thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 20 tuổi. Các biến chứng này bao gồm: mù, viêm não, tiêu chảy nặng, nhiễm trùng tai, viêm phổi nặng ...


* Phòng ngừa sởi như thế nào?


Phòng ngừa sởi một cách chủ động và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin sởi. Đối với trẻ nhỏ: tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Các đối tượng khác nếu chưa được tiêm vắc xin sởi trước đó cần tiêm 1 mũi.


Đối với bệnh nhân sởi: Cần cách ly trong vòng 7 ngày kể từ khi phát ban. Trường hợp bệnh nhẹ cho cách ly tại nhà (nghỉ học, nghỉ làm việc, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người). Trường hợp bệnh nặng hoặc có dấu hiệu biến chứng phải điều trị và cách ly tại các cơ sở y tế. Trong thời gian cách ly bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế.


Đối với cộng đồng:


- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế.


- Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch.


- Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa…), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.


- Thường xuyên vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng.


- Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (người sống cùng nhà, thấy thuốc trực tiếp chăm sóc, điều trị).


TS.BS Lê Tấn Phùng