08:04, 28/04/2014

Chữa bằng phương pháp mới

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa tiếp nhận và triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến do đoàn bác sĩ Mỹ chuyển giao trong điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ.

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa vừa tiếp nhận và triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến do đoàn bác sĩ Mỹ chuyển giao trong điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ.


Phương pháp mới


Giữa tháng 3-2014, bé Bùi Ngọc Bảo T. (Vĩnh Hiệp, Nha Trang) chào đời. Sau đó ít ngày, bụng bé phình to. Tại BVĐK tỉnh, bé được chẩn đoán mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh. Đầu tháng 4, bé được phẫu thuật theo phương pháp mới do đoàn của Phó Giáo sư (PGS) - bác sĩ Nguyễn Xuân Nam - Trưởng Khoa Ngoại, BV Nhi Los Angeles (Mỹ) chuyển giao. Sau mổ, bé T. đi tiêu bình thường, bụng xẹp, sức khỏe ổn định. Chị Nguyễn Thị Liên - mẹ bé T. cho hay: “Sau khi chẩn đoán, bác sĩ cho biết để điều trị bệnh này, bé phải phẫu thuật 3 lần. Trước mắt sẽ làm hậu môn tạm cho bé hoặc gia đình tiến hành thụt tháo phân hàng ngày đến khi bé được 6 tháng tuổi thì tiến hành phẫu thuật. Sau đó, bé được phẫu thuật theo phương pháp mới và chỉ làm một lần”.


Cháu Nguyễn Hoài N. (18 tháng tuổi, Ninh Bình, Ninh Hòa) cũng bị mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh khi mới chào đời. Đầu tháng 4-2014, cháu N. được phẫu thuật theo phương pháp mới. Hơn 10 ngày nay, gia đình cháu N. rất vui khi thấy cháu đã đi tiêu bình thường, không phải thụt tháo phân hàng ngày như trước.

 

Bé T. sau mổ đi tiêu bình thường.
Bé T. sau mổ đi tiêu bình thường.


Đây là 2 trong 10 trường hợp bị bệnh phình đại tràng bẩm sinh đã được ê-kíp bác sĩ Khoa Ngoại Tổng quát, BVĐK tỉnh phẫu thuật thành công theo phương pháp mới với sự chuyển giao kỹ thuật của bác sĩ Nguyễn Xuân Nam.


Nhiều ưu điểm

 

Những trẻ mắc chứng phình đại tràng thường có các dấu hiệu đặc trưng như: Trẻ mới sinh bụng trướng căng, không đi phân su sau hơn 24 giờ hoặc chỉ đại tiện khi dùng ống thông đưa vào hậu môn kích thích. Ở trẻ lớn, bệnh biểu hiện với tình trạng táo bón kéo dài nhiều năm xen kẽ những đợt tiêu chảy với đặc trưng là phân rất thối và có màu đen (do phân ứ đọng lâu ngày), bụng trướng. Trẻ luôn trong tình trạng suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tồn - Phó Trưởng Khoa Ngoại Tổng quát, BVĐK tỉnh cho biết, phình đại tràng bẩm sinh là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh rất dễ phát hiện và có thể được điều trị triệt để, nhưng nếu để muộn, bệnh có thể gây nhiều biến chứng như viêm ruột, thủng đại tràng, có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân gây bệnh là do sự thiếu vắng các tế bào thần kinh trên một đoạn ruột (vô hạch), có thể ngắn hoặc dài làm cho đoạn ruột đó không thể co giãn như bình thường, gây cản trở quá trình tiêu hóa và tích tụ thức ăn ở đại tràng. Bình quân mỗi năm, BV tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 ca mắc căn bệnh này.
Để điều trị triệt để cho trẻ, phải thực hiện phẫu thật cắt bỏ đoạn đại tràng vô hạch, nối đầu đại tràng lành với ống hậu môn. Trước đây, BV áp dụng phương pháp điều trị là tiến hành phẫu thuật 3 lần: phẫu thuật hở ở ổ bụng để làm hậu môn tạm cho trẻ; phẫu thuật hở ở hậu môn để cắt bỏ đoạn đại tràng vô hạch, hạ đại tràng; cuối cùng là đóng hậu môn tạm. Phương pháp này chỉ áp dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi và có cân nặng trên 10kg.


Đầu tháng 4-2014, Khoa Ngoại Tổng quát được đoàn PGS, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến (đang được áp dụng ở một số nước phát triển) trong điều trị bệnh phình đại tràng ở trẻ. Ưu điểm của phương pháp này là chỉ cần phẫu thuật một lần và được thực hiện trong hậu môn nên không để lại sẹo cho trẻ, có thể áp dụng phẫu thuật cho trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi. Đối với những trẻ bị bệnh nặng, đoạn vô hạch dài có thể kết hợp với mổ nội soi ở ổ bụng (phương pháp này trước đây chỉ áp dụng cho người lớn). “Ngoài ra, PGS, bác sĩ Nguyễn Xuân Nam còn chuyển giao kỹ thuật sinh thiết trực tràng cho BV. Kỹ thuật này được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định chính xác căn bệnh này” - bác sĩ Tồn cho biết.


T.L