07:12, 12/12/2013

Những thành tựu vì sức khỏe con người

Được UNICEF chứng nhận là nhà sản xuất hàng đầu các vắc xin thiết yếu chất lượng cao, qua 35 năm xây dựng và phát triển (1978 - 2013), Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (số 9 Pasteur, Nha Trang) đã có những đóng góp to lớn trong việc thực hiện chủ trương tự chủ sản xuất vắc xin trong nước của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế.

Được UNICEF chứng nhận là nhà sản xuất hàng đầu các vắc xin thiết yếu chất lượng cao, qua 35 năm xây dựng và phát triển (1978 - 2013), Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (số 9 Pasteur, Nha Trang) đã có những đóng góp to lớn trong việc thực hiện chủ trương tự chủ sản xuất vắc xin trong nước của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế.


Từ những năm 1990 đến nay, Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) đã cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hơn 250 triệu liều vắc xin lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, góp phần tích cực trong việc loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh ở Việt Nam vào năm 2005 và giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc, tử vong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.


Trong lịch sử phát triển của IVAC, giai đoạn 1978 - 1988 là giai đoạn đột phá có ý nghĩa quan trọng, đặt tiền đề cho chiến lược xây dựng phát triển Viện bền vững về khoa học và phát triển công nghệ sản xuất vắc xin ở Việt Nam có trình độ ngang tầm thế giới. Giai đoạn này, được sự tài trợ của UNICEF, IVAC đã xây dựng thành công dây chuyền công nghệ hiện đại sản xuất vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, lao (DTP, VAT, BCG). Những năm sau (1988 - 1998), Viện tập trung xây dựng cơ sở, từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất, kiểm định vắc xin và huyết thanh, đặc biệt là vắc xin DTP, BCG, VAT cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

 

   Hệ thống máy siêu ly tâm hiện đại tại IVAC.
Hệ thống máy siêu ly tâm hiện đại tại IVAC.


Giai đoạn 1998 - 2008, IVAC tiếp tục ghi dấu ấn với việc sản xuất thành công huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang đất và rắn lục tre. Từ đó đến nay, 2 loại huyết thanh này đã góp phần cứu sống hàng ngàn nạn nhân bị rắn độc cắn. Cũng giai đoạn này, IVAC còn nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin thương hàn Vi - Polysaccharide cùng nhiều loại huyết thanh và sinh phẩm thiết yếu phục vụ công tác điều trị dự phòng một số bệnh cho nhân dân như: Huyết thanh kháng độc tố uốn ván (SAT), kháng dại tinh chế (SAR), sinh phẩm Superferon điều trị viêm gan B và C mãn tính, Im.BCG trị liệu khối u bàng quang...


Từ năm 2008 đến nay, khi đại dịch cúm A/H1N1/09 bùng phát, IVAC đã tiên phong vào cuộc và trở thành đơn vị duy nhất ở Việt Nam được WHO đầu tư nhà máy sản xuất vắc xin cúm hiện đại, sẵn sàng các nguồn lực để đối phó với nguy cơ xảy ra đại dịch. Năm 2012, công nghệ sản xuất vắc xin cúm A/H1N1/09 theo tiêu chuẩn WHO-GMP của IVAC đã được Bộ Y tế vinh danh là “công trình tiêu biểu, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển nền y học Việt Nam”.


Bên cạnh đó, IVAC đã không ngừng xây dựng và củng cố cơ sở vật chất tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ từ dịch vụ kỹ thuật phụ trợ đến các dây chuyền sản xuất chính. Đơn vị hiện có cơ sở chăn nuôi động vật thí nghiệm rộng lớn, có các công nghệ nguồn quan trọng với trang thiết bị hiện đại như: lên men sinh học, đông khô vắc xin và chế phẩm sinh học, tinh chế kháng nguyên, kháng thể, khai thác huyết thanh ngựa - plasmapheresis, đóng ống vắc xin, sản xuất vắc xin cúm trên trứng gà có phôi và các kỹ thuật vi sinh, hóa - miễn dịch, nuôi cấy tế bào dùng trong kiểm định chất lượng sản phẩm.


Viện cũng đang hợp tác hiệu quả với nhiều viện khoa học trên thế giới như: Viện Vắc xin và bảo vệ môi trường Hà Lan, Viện Vắc xin Human (Hungari), Viện Sức khỏe quốc gia NIH (Hoa Kỳ), Viện Kiểm định và tiêu chuẩn hóa chế phẩm sinh học (Anh), Viện Vắc xin  quốc tế IVI (Hàn Quốc), Tổ chức WHO, BARDA, PATH, JICA...


Chia sẻ về phương hướng của Viện trong thời gian tới, Tiến sĩ Lê Văn Bé, Viện trưởng IVAC cho biết, bên cạnh củng cố và nâng cao chất lượng 13 sản phẩm hiện có, IVAC sẽ tập trung phát triển một số sản phẩm mới chất lượng cao, hướng mạnh vào các vắc xin đa giá với các thành phần kháng nguyên có độ tinh khiết cao, vắc xin cúm..., sẵn sàng ứng phó với nguy cơ đại dịch và một số dịch bệnh mới nổi.


Ghi nhận những thành tích của Viện, năm 2013, IVAC vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.


Khánh Ngọc