04:12, 09/12/2013

Các bệnh viện cần có nhân viên công tác xã hội

Phát triển nhân viên làm công tác xã hội trong các bệnh viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và làm tăng độ hài lòng cho bệnh nhân.

Phát triển nhân viên làm công tác xã hội (CTXH) trong các bệnh viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và làm tăng độ hài lòng cho bệnh nhân.


Là bệnh nhân, ai cũng cần ở người thầy thuốc sự trợ giúp về tâm lý, động viên, chia sẻ, tận tình chăm sóc. Tuy nhiên, do quá tải về số lượng bệnh nhân, áp lực công việc của người thầy thuốc đã khiến những “liều thuốc” tinh thần cho người bệnh bị hạn chế. Tình trạng bệnh tật gia tăng, nhu cầu khám chữa bệnh có chất lượng cao ngày càng lớn; trong khi đó, các dịch vụ y tế chưa được liên kết, bệnh nhân hiểu biết về bệnh tật còn hạn chế, các quy định, chế độ chính sách và cách giao tiếp, ứng xử đôi khi chưa đúng mực… đã gây nên những bức xúc, căng thẳng trong mối quan hệ giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế, cơ sở y tế. Đã có không ít vụ việc người nhà bệnh nhân không kiềm chế hành động vì cho rằng, các y, bác sĩ không tư vấn, điều trị kịp thời cho bệnh nhân… Nhưng thực tế, do hệ thống khám, chữa bệnh, nhất là tuyến trên thường trong tình trạng quá tải nên bác sĩ không còn sức để trả lời cho bệnh nhân về tình trạng bệnh của họ. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như: Cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm các loại dịch vụ, tư vấn về phác đồ điều trị, cách phòng ngừa, trấn an tinh thần cho người bệnh…

 

1
Phát triển nhân viên công tác xã hội ở bệnh viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho người dân.


Theo bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện nay, nhiều cơ sở y tế và cộng đồng đã hình thành các tổ chức hoạt động CTXH như: Bếp ăn từ thiện, tổ từ thiện xã hội hay nhóm CTXH tham gia hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân tâm thần, giúp phục hồi chức năng tại xã, phường… Các mô hình này đã hỗ trợ thầy thuốc trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, những hoạt động này cũng mới chỉ mang tính tự phát, đội ngũ tham gia vì lòng nhiệt huyết và kinh nghiệm chứ chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng nên thường thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động chưa cao. Do đó, việc phát triển ngành CTXH trong các bệnh viện là hết sức cần thiết.

 

Nhận thấy tầm quan trọng của nghề CTXH trong ngành Y tế, Bộ Y tế đã chọn Bệnh viện Đa khoa tỉnh thí điểm triển khai Đề án phát triển nghề CTXH trong ngành Y tế. Bệnh viện đã vừa thành lập Phòng CTXH để phục vụ tốt nhất về các mặt cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ.

Theo các chuyên gia xã hội, nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế có vai trò rất quan trọng. Người làm CTXH có thể can thiệp về mặt tâm lý xã hội với vai trò là một phần của kế hoạch điều trị bệnh, kể cả việc tiếp tục hỗ trợ về mặt xã hội nếu cần các dịch vụ y tế tiếp theo. Trong một số trường hợp, nhân viên CTXH có liên quan đến việc thiết lập, quản lý dịch vụ hoặc xây dựng chính sách để tạo ra những dịch vụ bảo đảm việc chăm sóc về sau cho người bệnh. Bên cạnh đó, nhân viên CTXH còn hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả điều trị, chất lượng dịch vụ; đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa người bệnh và bác sĩ, giúp người dân yên tâm, tăng sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ y tế.


Ngoài ra, nhân viên CTXH được xem như là bạn đồng hành của người bệnh, tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất người bệnh, giữa người bệnh với người thân, những người xung quanh và cơ sở y tế… CTXH trong lĩnh vực y tế phát huy hiệu quả sẽ góp phần thay đổi nhận thức và thúc đẩy hành vi tích cực, ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động tiêu cực ảnh hưởng tới các mối quan hệ, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao hiệu quả trong hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân. Với những lời thăm hỏi ân cần, những lời khuyên hữu ích, nhân viên CTXH sẽ giúp người bệnh giảm bớt cảm giác đau đớn, không bị rơi vào cảm giác bị bỏ rơi, xa lánh. Đây là một công việc nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa xã hội lớn.


Sự cần thiết của nhân viên CTXH trong bệnh viện đã thấy rõ. Tuy nhiên hiện nay, ở hầu hết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hình thành đội ngũ CTXH chuyên nghiệp. Thiết nghĩ, ngành Y tế cần sớm phát triển lực lượng này để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.


PHÚ VINH