Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu bà mẹ và trẻ em thuộc Trung tâm Y khoa Tuffs (Mỹ) gần đây, những thai phụ béo phì thường sinh con thiếu chất sắt.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu bà mẹ và trẻ em thuộc Trung tâm Y khoa Tuffs (Mỹ) gần đây, những thai phụ béo phì thường sinh con thiếu chất sắt.
Cụ thể, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tình trạng sản xuất ra quá nhiều hormone có nhiệm vụ điều chỉnh chất sắt trong cơ thể các thai phụ bị béo phì, được biết đến là hepcidin, có thể can thiệp vào quá trình chuyển giao chất sắt từ các bà mẹ sang thai nhi.
Ảnh minh họa |
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Journal of Perinatology (Mỹ) cho biết, trong suốt thời gian thai nghén, hormone hepcidin ở thai phụ thường duy trì ở mức thấp để giúp cải thiện quá trình chuyển giao chất sắt sang thai nhi. Tuy nhiên, đối với những thai phụ bị béo phì, cơ thể họ sản xuất ra mức hepcidin cao hơn so với những thai phụ có thể trọng bình thường. Khi cơ thể có quá nhiều hormone này có thể gây cản trở quá trình chuyển giao chất sắt từ bà mẹ sang thai nhi.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành trên 15 thai phụ bị béo phì và 15 thai phụ có thể trọng bình thường. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện việc kiểm tra máu của tất cả các thai phụ tham gia nghiên cứu suốt quý thứ hai của thai kỳ. Họ cũng đã sử dụng máu ở cuống rốn thai nhi để đánh giá mức sắt ở những đứa trẻ sinh ra sau này. Kết quả cho thấy, những đứa trẻ sơ sinh, con của các bà mẹ béo phì có mức cao hepcidin, thường liên quan đến mức chất sắt thấp trong máu.
Giới chuyên môn cho biết, những đứa trẻ sơ sinh bị thiếu sắt có thể đối diện với nguy cơ cao trong việc giảm phát triển kỹ năng vận động và suy nghĩ. Tuy nhiên, tác giả Maria Carlota Dao, nhà khoa học, cho biết, cần thêm nhiều cuộc nghiên cứu nữa để kiểm tra cụ thể mối liên quan giữa tình trạng béo phì và mức hepcidin ở các thai phụ với mức chất sắt thấp ở trẻ sơ sinh, trước khi tiến hành cuộc vận động thực hiện sự thay đổi trong chế độ ăn của các thai phụ bị béo phì.
Đ.T (Theo PNO)