08:11, 28/11/2013

Chưa có nhiều đổi mới

Kết quả giám sát của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Khánh Hòa cho thấy, hoạt động truyền thông dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở cơ sở năm 2013 chưa có nhiều đổi mới. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông đối với người dân.

Kết quả giám sát của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Khánh Hòa cho thấy, hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ ở cơ sở năm 2013 chưa có nhiều đổi mới. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông đối với người dân.


Vẫn theo lối mòn


Trong Chương trình truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, công tác truyền thông tập trung chủ yếu vào việc nâng cao chất lượng DS, với mục đích tạo sự đồng thuận cao của người dân về nhận thức, thái độ và thực hiện các hành vi có lợi cho sự phát triển bền vững của DS. Qua đó, giúp điều chỉnh tốc độ gia tăng DS, phát huy lợi thế cơ cấu “DS vàng”, kiểm soát chặt chẽ hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh và chăm lo chu đáo cuộc sống người cao tuổi.


Để thực hiện tốt các vấn đề đặt ra, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cấp huyện và cấp xã, ngoài việc tuyên truyền theo định hướng chung của ngành, mỗi địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông mang tính đột phá, phù hợp cho từng địa bàn, đối tượng cụ thể, hạn chế tính dàn trải chung chung, hình thức. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Chi cục năm 2013 đối với các hoạt động truyền thông ở 8 đơn vị cấp huyện và 16 đơn vị cấp xã cho thấy, ở cấp huyện chỉ có 1/8 đơn vị đạt loại tốt, 4/8 đơn vị đạt loại khá và 3/8 đơn vị đạt loại trung bình; ở cấp xã 2/16 xã đạt loại tốt, 7/16 xã đạt loại khá và 7/16 xã đạt loại trung bình.


Nguyên nhân số đơn vị đạt loại tốt thấp là do chưa làm tốt công tác tham mưu về ban hành các văn bản thể hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo của chính quyền địa phương đối với công tác DS-KHHGĐ như: Số lượng văn bản ban hành còn ít (2 - 3 văn bản/năm); chất lượng một số văn bản chưa cao (nội dung vẫn còn rập khuôn, máy móc, chưa căn cứ vào thực tế của địa phương để đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp và thiết thực). Chất lượng báo cáo định kỳ của huyện, xã vẫn tồn tại việc sao chép nội dung và kết quả hoạt động giữa 3 hoặc 4 xã với nhau. Công tác kiểm tra, giám sát của huyện đối với xã cũng chưa tốt, nặng về hình thức, thiếu các nội dung cụ thể nên không giúp cấp dưới nhìn nhận được những tồn tại, yếu kém để có hướng khắc phục.

 

Tư vấn trực tiếp là hình thức truyền thông mang lại hiệu quả cao. Ảnh: M.T
Tư vấn trực tiếp là hình thức truyền thông mang lại hiệu quả cao.


Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông tăng cường cho địa bàn có mức sinh cao ở cơ sở chưa có tính sáng tạo và đổi mới về nội dung lẫn hình thức nên chưa hấp dẫn, lôi cuốn người dân tham gia. Các hoạt động truyền thông phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng, một số địa phương chưa chủ động cung cấp nguồn thông tin chính thống, còn mang tính chắp vá nên chưa đáp ứng được yêu cầu về thông tin. Các Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Mặt trận chưa có sự gắn kết trong việc phối hợp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác truyền thông DS-KHHGĐ...


Kết quả giám sát cũng cho thấy, nhiều địa phương chưa chú trọng hoạt động truyền thông tư vấn cộng đồng trực tiếp. Đa số là huyện lập kế hoạch rồi phó thác cho xã thực hiện nên chủ đề, nội dung còn một số bất cập như: Thông tin đã lạc hậu hoặc chưa chính xác; năng lực của tư vấn viên còn hạn chế nên chưa giải đáp thỏa đáng những băn khoăn, thắc mắc của đối tượng được tư vấn. Ngoài ra, khi tổ chức họp nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề, người chủ trì thường đưa ra quá nhiều chủ đề, nội dung khiến việc tiếp nhận thông tin của đối tượng gặp khó khăn, ít có ý kiến trao đổi, thảo luận. Hoạt động thăm hộ gia đình, sổ sách cập nhật thông tin của cộng tác viên phụ trách địa bàn chưa đầy đủ về số hộ, số lượt thăm nên cán bộ chuyên trách rất khó đánh giá hiệu quả thực hiện công việc của từng cộng tác viên...


“Vấn đề chính là đa số các địa phương vẫn theo tư duy cũ, không có tính sáng tạo, chủ động trong các hoạt động truyền thông ở cơ sở để thu hút người dân tham gia. Một số địa phương có chủ động, sáng tạo hơn so với năm trước nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra” - bà Huỳnh Thị Hiên, Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết.


Cần sáng tạo hơn


Để các hoạt động truyền thông ở cơ sở được triển khai hiệu quả hơn, thời gian tới, các huyện, xã khi triển khai kế hoạch truyền thông hàng quý, hàng năm cần căn cứ vào thực trạng và nhu cầu thực tế của địa phương mình để xây dựng kế hoạch phù hợp, sáng tạo và mang tính khả thi hơn. Báo cáo về hoạt động của cấp xã cần bổ sung thêm phần nhận xét, đánh giá kết quả làm được và chưa được, những kiến nghị, đề xuất với cấp trên để tăng tính thuyết phục. Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, đề xuất lãnh đạo địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ kịp thời. Việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai các hoạt động truyền thông cần được ưu tiên đẩy mạnh. Các huyện, xã có chiến dịch truyền thông lồng ghép khi triển khai thực hiện hoạt động truyền thông bề nổi cần xây dựng nội dung phù hợp, tránh phô trương hình thức. Các địa phương đã và đang duy trì mức sinh thấp hợp lý cần chủ động chuyển đổi nội dung truyền thông từ áp dụng các biện pháp tránh thai sang chăm sóc sức khỏe sinh sản và nâng cao chất lượng DS. Các địa phương chưa đạt mức sinh thay thế hoặc tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, cần tăng cường hoạt động truyền thông trực tiếp thông qua họp nhóm, tư vấn cá nhân và thăm hộ gia đình. Cán bộ chuyên trách DS xã, phường, thị trấn cần chủ động, mạnh dạn tham mưu, kiến nghị với lãnh đạo địa phương các vấn đề về chỉ đạo văn bản, lãnh đạo hoặc bố trí, phân công các ban, ngành, đoàn thể liên quan tham gia các hoạt động về DS-KHHGĐ tại địa phương. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động truyền thông ở cơ sở, cấp huyện cũng cần làm tốt để qua đó đánh giá trung thực, khách quan những ưu, nhược điểm, giúp cơ sở được giám sát sớm khắc phục các yếu kém nếu có...


Với các giải pháp cụ thể nêu trên, hy vọng thời gian tới, công tác truyền thông ở cơ sở sẽ có nhiều đổi mới hơn về nội dung và hình thức, góp phần thực hiện thành công Chương trình truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015.


K.H