11:11, 13/11/2013

Đu đủ và trà xanh có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu y sinh học và Vật liệu sinh học Trường Đại học Mauritiuts, trà xanh và đu đủ lên men có khả năng phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả.

Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu y sinh học và Vật liệu sinh học Trường Đại học Mauritiuts, trà xanh và đu đủ lên men có khả năng phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả.


Giáo sư Theesan Bahorun giải thích, trong trà xanh có chứa chất ngăn ngừa việc phát triển lượng đường trong máu, trong khi thành phần của đu đủ lên men giúp làm giảm mức độ của phản ứng của Vitamin C và axit uric.


Hơn 100 bệnh nhân đái tháo đường giai đoạn đầu tham gia thử nghiệm. Nhóm thứ nhất gồm 77 người uống 3 tách trà xanh mỗi ngày trước bữa ăn. Còn 78 người khác uống 3 ly nước nóng mỗi ngày. Thời gian thực hiện là 14 tuần. Sau đó, các nhà khoa học phân tích tỷ lệ đường huyết, lipid máu, hệ thống miễn dịch, chức năng gan, thận... của các tình nguyện viên.


Kết quả cho thấy, nhóm thứ nhất có các chỉ số vừa nêu tốt hơn nhóm thứ hai. Điều này cho thấy, trà xanh có tác dụng tăng cường khả năng chống ô-xi hóa. Thêm vào đó, trà xanh không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với cơ thể bệnh nhân chớm bị tiểu đường.


Một nghiên cứu khác về ích lợi của đu đủ lên men đối với bệnh tiểu đường, các nhà khoa học cũng chia ra hai nhóm để nghiên cứu. Một nhóm gồm 50 người uống 2 gói đu đủ lên men mỗi ngày. Nhóm còn lại uống 2 ly nước nóng mỗi ngày. Sau 14 tuần, những người dùng đu đủ lên men có những thay đổi tích cực về lượng đường trong máu, chỉ số ure, cholesterol, cretinin và axit uric. Ngoài ra, một công dụng khác của trà xanh và đu đủ là giúp vệ sinh răng miệng nếu được dùng một lượng nhỏ mỗi ngày.


Dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường


Nên dùng các loại thịt nạc: Thịt bò, cá, gà, vịt chỉ nên sử dụng phần nạc trong khi nấu ăn.


Bạn cũng có thể thay đổi thực đơn trong tuần bằng thịt lươn, chim, tôm tép tươi, ếch, cua, đậu hũ, trứng, tim, nghêu, sò... để bữa ăn thêm phong phú. Khi chế biến thức ăn, nên chọn dầu đậu phụng, dầu mè để nấu.


Hạn chế dùng đường: Người bị tiểu đường nên hạn chế ăn ngọt, chỉ nên sử dụng (rất ít hoặc không dùng) khi nấu các món ăn như canh chua, hay pha nước chấm. Hiện nay trên thị trường có bán đường dành cho người bị tiểu đường, bạn có thể dùng đường này để thay thế các loại đường thông thường khác.


Ăn nhiều rau xanh: Các loại rau như rau muống, bồ ngót, mồng tơi, rau dền, rau cải, cà tím, cà rốt, mướp, khổ qua, dưa leo, củ cải trắng, đậu bắp, mướp... đều phù hợp với người tiểu đường.


Tăng thêm trái cây: Những loại trái cây có độ ngọt ít như: dưa hấu, dâu tây, dưa lê, quả bơ, đào, bưởi, cam, đu đủ, ổi, mận, táo, thanh long... bạn đều có thể ép nước, làm salad ăn trước, trong, hoặc sau mỗi bữa ăn chính.


Một điều cần nhớ là bạn cố gắng tập thể dục: Các hoạt động vừa phải mỗi ngày như làm việc nhà, đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội... hỗ trợ đáng kể trong việc điều trị ở bệnh tiểu đường. Nên từ bỏ những thói quen bất lợi như: thích ăn đồ ngọt, xào, chiên, uống bia rượu hay hút thuốc lá.


K.T (Tổng hợp)