Băn khoăn, lo lắng là tâm trạng chung của nhiều bà mẹ có con dưới 1 tuổi khi nhận được thông báo ngưng sử dụng vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng, nhất là những bà mẹ có con đã được tiêm mũi 1, mũi 2.
Băn khoăn, lo lắng là tâm trạng chung của nhiều bà mẹ có con dưới 1 tuổi khi nhận được thông báo ngưng sử dụng vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng (TCMR), nhất là những bà mẹ có con đã được tiêm mũi 1, mũi 2.
Sáng 5-5, các bà mẹ có con dưới 1 tuổi khi đưa con đến các trạm y tế (TYT) để tiêm ngừa vắc xin Quinvaxem theo lịch thì nhận được thông báo ngưng tiêm chủng vắc xin này. Chị Nguyễn Thu Hạnh (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) lo lắng: “Theo lịch tiêm chủng, sáng nay, con tôi sẽ được tiêm mũi 2 vắc xin “5 trong 1” ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi B, viêm phổi và viêm màng não do Hib. Nhưng đến TYT phường, tôi nhận được thông báo vắc xin này tạm ngưng sử dụng trong TCMR. Tôi đang lo vì không biết khi nào cháu mới được tiêm tiếp mũi thứ 2. Nếu để lâu mới tiêm lại có tác dụng gì không?”. Vợ chồng anh Phan Văn Thạnh (phường Phước Hòa, Nha Trang) cũng có tâm trạng tương tự: “Theo lịch, cháu sẽ được tiêm mũi 3 vào tháng 5, nhưng khi đến TYT, vợ chồng tôi mới nhận được thông tin tạm ngưng sử dụng vắc xin này nên rất lo. Tuần tới, chúng tôi dự định sẽ đưa cháu đến Viện Pasteur Nha Trang để được tư vấn, tìm xem có loại vắc xin nào có thành phần tương tự để thay thế”.
Khánh Hòa triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem (ngừa bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi B, viêm phổi và viêm màng não do Hib) cho trẻ dưới 1 tuổi từ tháng 6-2010. Năm 2011, Khánh Hòa đã triển khai 62.594 mũi tiêm, năm 2012: 63.984 mũi tiêm và 4 tháng đầu năm 2013 là 21.328 mũi tiêm. Đến nay, ở Khánh Hòa chưa có trường hợp nào bị biến chứng hoặc tử vong có liên quan đến việc tiêm chủng loại vắc xin Quinvaxem. |
Nhiều bà mẹ đang băn khoăn nên hay không nên sử dụng vắc xin thay thế ở các phòng tiêm dịch vụ. Nếu tiêm dịch vụ thì nên chọn loại vắc xin nào? Việc các cháu đã lỡ tiêm mũi 1, mũi 2 loại vắc xin này thì khi chuyển qua loại vắc xin khác có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và hiệu quả phòng bệnh? Nếu chọn tiêm dịch vụ thì tiêm ở đâu và vào thời gian nào thì thích hợp?...
Bác sĩ Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh cho biết, ngay khi Cục YTDP có quyết định ngừng tiêm chủng vắc xin Quinvaxem, TTYTDP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng trên toàn tỉnh ngưng sử dụng vắc xin này tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi. Các vắc xin khác trong chương trình TCMR vẫn thực hiện tiêm theo đúng lịch.
Ngày 6-5, trên trang web của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang có các phương án liên quan đến vắc xin Quinvaxem. Nếu vắc xin này sau khi kiểm định độc lập tại Anh được chứng minh an toàn thì tiếp tục sử dụng. Hoặc sử dụng phương án như trước đây là tiêm vắc xin nội địa 3 trong 1 ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván và tiêm ngừa 2 vắc xin đơn liều là Hib và viêm gan B; hoặc sử dụng vắc xin 5 trong 1 có thành phần ho gà vô bào (vắc xin này an toàn hơn nhưng giá khá cao). Theo khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, các trường hợp đã tiêm 1 hoặc 2 mũi Quinvaxem, nay phải chuyển sang tiêm ngừa bằng loại vắc xin tương tự nếu đủ liều thì vẫn sinh miễn dịch bình thường. Những trẻ không tiêm loại vắc xin khác mà chờ thêm 1, 2 tháng nữa mới tiêm ngừa cho đủ liều thì vẫn không ảnh hưởng đến hiệu quả bảo vệ. “Chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế về các phương án thay thế. Theo tôi, người dân không nên quá lo lắng. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang tìm các phương án tốt nhất để triển khai TCMR cho trẻ dưới 1 tuổi ngừa 5 loại bệnh trên” - bác sĩ Hải nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, Phòng tiêm Safpo (đường Pasteur, TP. Nha Trang) có 2 loại vắc xin có thành phần tương tự là vắc xin Pentaxim (5 trong 1) ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não, giá 630.000 đồng/mũi tiêm và vắc xin Infanrix Hexa (6 trong 1) ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viên gan B và viêm màng não, giá 675.000 đồng/mũi tiêm. Tại Viện Pasteur Nha Trang, hiện nay chỉ có loại vắc xin 6 trong 1 với mức giá hơn 600.000 đồng/mũi tiêm. Theo tư vấn của bác sĩ ở 2 phòng tiêm này, cả 2 loại vắc xin dịch vụ thay thế đều chứa thành phần ho gà vô bào (khác với vắc xin Quinvaxem là ho gà nguyên bào, có nhiều tác dụng phụ) nên an toàn hơn.
BÁ NGHĨA