Số bệnh nhân mắc bệnh sốt rét giảm đáng kể, không có bệnh nhân sốt rét ác tính hay tử vong do sốt rét, đó là kết quả khả quan trong công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh những năm gần đây.
Số bệnh nhân mắc bệnh sốt rét giảm đáng kể, không có bệnh nhân sốt rét ác tính hay tử vong do sốt rét, đó là kết quả khả quan trong công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh những năm gần đây.
Số người mắc bệnh sốt rét giảm
Những năm trước, dịch sốt rét hoành hành ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. Tại Trung tâm Y tế huyện, hầu như ngày nào cũng có người nhập viện do mắc bệnh sốt rét; số ca sốt rét ác tính, số người tử vong do sốt rét không ít. Từ năm 2006 trở lại đây, công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến, tỷ lệ người mắc bệnh giảm đáng kể. 3 năm qua, trên địa bàn huyện không có trường hợp nào bị sốt rét ác tính, tử vong, bệnh nhân sốt rét giảm trung bình 5%/năm. Nếu trước đây, tại các xã; Khánh Nam, Sông Cầu, Khánh Đông, Khánh Phú..., mỗi năm có hàng trăm người bị sốt rét, thì nay chỉ còn vài người, thậm chí có địa phương không có bệnh nhân sốt rét. Bà Trần Thị Hà - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khánh Nam cho biết: “Từ tháng 6-2012 đến nay, trên địa bàn xã không có trường hợp nào bị bệnh sốt rét. Để đạt được kết quả này, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống sốt rét như: cấp phát mùng, tẩm mùng bằng hóa chất diệt muỗi để bảo vệ người dân. Các y, bác sĩ tuyến huyện, xã cũng như đội ngũ y tế thôn bản tích cực triển khai công tác giám sát dịch tễ, khoanh vùng điều trị, không để sốt rét bùng phát thành dịch. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng, chống sốt rét được đẩy mạnh”.
Bệnh nhân Mấu Thị Mơ ở xã Khánh Bình đang được điều trị sốt rét tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh. |
Qua tìm hiểu thực tế tại một số gia đình ở xã Khánh Nam cho thấy, các hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã dần nâng cao ý thức vệ sinh phòng bệnh sốt rét. Nhờ đó, tỉ lệ người mắc bệnh giảm đáng kể. Ông Cao Hảo (xã Khánh Nam) cho biết: “Để bảo vệ mình khỏi bệnh sốt rét, ngoài việc ngủ mùng đã được tẩm hóa chất để tránh muỗi đốt, gia đình tôi còn thường xuyên phát quang bụi rậm xung quanh nhà để muỗi không có nơi trú ẩn. Những khi ngủ lại rẫy, tôi đều mang theo mùng và đến Trạm Y tế xã nhận thuốc chống sốt rét mang theo để phòng ngừa”. Nhiều gia đình khác ở xã Khánh Nam cũng nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh sốt rét, vì vậy đã tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên y tế trong việc phòng, chống sốt rét cho bản thân, gia đình.
Không thể chủ quan
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, trước đây, trong số bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm có đến 50 - 60% là bệnh nhân sốt rét, nay tỷ lệ này không đáng kể. Năm 2005, trên địa bàn huyện có hơn 1.300 người mắc bệnh sốt rét, đến năm 2012 chỉ còn hơn 600 bệnh nhân. Trên địa bàn không có bệnh nhân sốt rét ác tính, không có trường hợp nào tử vong do sốt rét. |
Tuy công tác phòng, chống bệnh sốt rét trên địa bàn đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng hiện nay, Khánh Vĩnh vẫn là địa phương có bệnh sốt rét lưu hành nặng. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn có tập quán canh tác xa buôn làng, rải rác trong rừng sâu nên nguy cơ bị sốt rét rất lớn. Em Mấu Thị Mơ (16 tuổi, xã Khánh Bình), đang điều trị sốt rét tại Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Em đã bị muỗi cắn khi lên rẫy cùng gia đình thu hoạch mì. Thấy nóng lạnh bất thường, em nghĩ mình bị sốt nên tự mua thuốc uống nhưng cả tuần vẫn không khỏi. Em đến Trung tâm Y tế huyện để điều trị thì phát hiện mình bị sốt rét. Qua 7 ngày điều trị tại đây, sức khỏe của em đã ổn định”. Hiện nay, ở Khánh Vĩnh, người dân vẫn lên rừng khai thác lâm sản, săn bắt thú; nhiều người từ địa phương khác vào rừng sâu khai thác quặng; nhiều công nhân đến vùng có sốt rét lưu hành để xây dựng các công trình giao thông, thủy điện, đập chứa nước... đã khiến cho việc quản lý, phòng, chống sốt rét trở nên khó khăn hơn.
Ông Trần Văn Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Hiện nay, Khánh Vĩnh chỉ có 1 địa phương là xã Sông Cầu có sốt rét lưu hành nặng; 13 xã, thị trấn còn lại sốt rét lưu hành nhẹ. Tuy số người dân bị sốt rét đã giảm mạnh trong những năm qua, nhưng chúng tôi không thể chủ quan, bởi vẫn còn những nhóm người thường xuyên đi rừng, ngủ lại trong rừng. Chính nhóm người này sẽ làm gia tăng sự giao thoa giữa vùng sốt rét lưu hành với vùng không có sốt rét lưu hành”. Cũng theo ông Tiến, để phòng, chống sốt rét cho nhóm người dân thường xuyên đi rừng, ngủ lại trên nương rẫy, Trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản nắm chắc đối tượng, vận động người dân mỗi khi đi rừng phải đến trạm y tế để nhận thuốc tự điều trị sốt rét; khi có triệu chứng sốt rét phải đến ngay trạm y tế để được xét nghiệm, điều trị. Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường giám sát các ca bệnh tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ. Hàng năm, ngành Y tế huyện Khánh Vĩnh ra quân thực hiện 2 đợt phun hóa chất, tẩm màn phòng, chống sốt rét tại các địa bàn cơ sở. Trung tâm Y tế huyện cấp phát hàng nghìn chiếc mùng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo; cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất cho y tế xã; tập huấn cho lực lượng y tế thôn bản, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong phòng, chống sốt rét.
BÍCH LA - NHÂN TÂM