04:03, 22/03/2013

Nan giải công tác phòng, chống lao

Thiếu nhân lực, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, số bệnh nhân mắc lao kháng thuốc ngày càng tăng... là những khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh lao ở Khánh Hòa.

Thiếu nhân lực, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, số bệnh nhân (BN) mắc lao kháng thuốc ngày càng tăng... là những khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh lao ở Khánh Hòa.

Thạc sĩ, bác sĩ (Ths.BS) Hồ Tá Phương - Phó Giám đốc phụ trách BV Lao và bệnh phổi (BVL-BP) tỉnh cho biết, chủ đề Ngày thế giới phòng, chống lao của Việt Nam năm nay là “Vì một Việt Nam không còn bệnh lao”. Tuy nhiên hiện nay, công tác phòng, chống lao trên cả nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức.

Dù vậy, công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh những năm qua vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Mạng lưới chống lao được triển khai trên toàn tỉnh, công tác tuyên truyền, phát hiện, điều trị được đẩy mạnh. Nhờ đó, số lượng người mắc bệnh lao đến khám, điều trị và được điều trị khỏi tăng cao... Năm 2012, toàn tỉnh đã thực hiện khám cho hơn 72.224 người, phát hiện 1.472 BN mới mắc bệnh lao, điều trị khỏi cho hơn 1.200 BN lao, quản lý và điều trị 2.351 người. Chương trình chống lao đã được triển khai tại Trại giam A2 với số BN mắc bệnh lao được quản lý và điều trị là 19 người. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thực hiện 8.797 lượt khám, phát hiện 387 BN mới mắc bệnh lao, điều trị khỏi cho 355 người, hiện đang quản lý điều trị cho 2.032 BN.

Bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh phổi khám cho bệnh nhân lao.
Bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh phổi khám cho bệnh nhân lao.

Nhiều thách thức

Thách thức lớn nhất là số lượng BN lao kháng thuốc (điều trị và quản lý khó, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thấp) ngày càng tăng. Trong khi đó, thuốc kháng lao rất đắt tiền và nguồn thuốc lại không ổn định. Bên cạnh đó, thời gian điều trị bệnh lao kháng thuốc khá dài (ít nhất 18 tháng) nên nhiều BN do kinh tế khó khăn đã chọn cách... không nhập viện điều trị để giảm bớt chi phí. Thuốc chống lao trôi nổi trên thị trường khá nhiều, người dân vẫn có thói quen tự mua để chữa bệnh, do đó, tỷ lệ BN lao kháng thuốc ngày càng cao vì điều trị không đúng phác đồ. Số BN này nằm rải rác trong cộng đồng, chưa được cách ly nên trở thành nguồn lây lan lớn, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, hiện nay BVL-BP chưa hoàn thành công trình xây dựng khu điều trị cách ly dành cho BN lao kháng thuốc nên dễ dẫn đến tình trạng lây chéo, gây khó khăn cho công tác điều trị.

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 12/22 nước có số BN lao nhiều nhất thế giới, xếp thứ 14/27 nước có BN lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Thống kê của Chương trình phòng, chống lao quốc gia, mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 30.000 người chết vì bệnh lao. Riêng tại Khánh Hòa, số BN được phát hiện mắc mới ngày càng tăng, nếu năm 2010, số BN lao mới phát hiện tăng 7,9% (so với năm 2009) thì đến năm 2012, con số này tăng lên 12,5%. Bình quân mỗi năm có khoảng 1.300 người mắc bệnh lao mới được phát hiện.

Thiếu nhân lực cũng là thách thức lớn đối với công tác phòng, chống lao của tỉnh hiện nay. “Hơn 10 năm nay, BV không tuyển được BS. Nguyên nhân là do môi trường làm việc ở đây quá độc hại, dễ lây nhiễm, nguồn thu nhập ngoài lương thấp, trong lúc chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Hiện nay, số lượng BS của BV là 8 người, thiếu ít nhất 4 người so với nhu cầu. Do thiếu người nên các BS vừa làm công tác chuyên môn lại kiêm nhiệm thêm nhiều việc, vì thế ít nhiều ảnh hưởng đến việc nâng cao năng lực chuyên môn” - BS Phương nói. Ngoài ra, nguồn kinh phí từ các dự án dành cho hoạt động chống lao không ổn định và đầy đủ nên gây khó khăn cho công tác này.

Những tín hiệu khả quan

Để khắc phục những khó khăn trên, BVL-BP tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường hiệu quả công tác chống lao trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đầu tháng 3 năm nay, BV đã chủ động phối hợp với BVL-BP Trung ương và BVL-BP Bình Định thực hiện chương trình cung cấp thuốc điều trị lao kháng thuốc miễn phí cho BN và đưa BN lao kháng thuốc ra BVL-BP Bình Định để phối hợp điều trị. Xây dựng quy chế hỗ trợ 10.000 đồng/ngày cho nhân viên y tế phục vụ việc chăm sóc, điều trị BN lao kháng thuốc tại BV; 800.000 đồng/tháng cho các BS có trình độ đại học, 1 triệu đồng/tháng cho các BS có trình độ trên đại học. Ngoài ra, BV đang phối hợp với các BV tuyến trên như: BV Đại học Y dược, BV Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh), BV Đa khoa tỉnh, BV K71 TW (Thanh Hóa) để hỗ trợ về mặt chuyên môn, chuyển giao những kỹ thuật mới (nội soi phế quản, xét nghiệm PCR - kỹ thuật cao trong chẩn đoán bệnh lao dành cho những trường hợp khó...), tiếp nhận đào tạo ngắn và dài hạn cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là đội ngũ BS của BV. Bên cạnh đó, BV đẩy mạnh công tác tập huấn, kiểm tra, giám sát hàng tháng, quý ở các mạng lưới cơ sở nhằm tạo thông tin 2 chiều, giúp giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai công tác phòng, chống lao ở địa phương. Hiện nay, khu điều trị lao kháng thuốc của BV đang trong quá trình hoàn thiện, sắp đưa vào sử dụng. Đây cũng là tín hiệu vui, góp phần giảm bớt khó khăn cho công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh.

THẢO LY