02:02, 04/02/2013

Phòng tránh tai nạn thường gặp ở trẻ em trong ngày Tết

Theo kinh nghiệm của các bác sĩ, ngộ độc thức ăn, dị vật đường thở, bỏng và chấn thương là những tai nạn thường gặp ở trẻ em trong ngày Tết.

Theo kinh nghiệm của các bác sĩ, ngộ độc thức ăn, dị vật đường thở, bỏng và chấn thương là những tai nạn thường gặp ở trẻ em trong ngày Tết.

Ngộ độc thức ăn

Ngày Tết, các gia đình thường dự trữ nhiều thức ăn được chế biến sẵn như: bánh, mứt, thịt, cá, giò chả... Đây là những thức ăn thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Ngày Tết, trẻ em được nghỉ học, vui chơi, ăn uống nhiều hơn ngày thường nên tình trạng nhiễm độc thức ăn dễ xảy ra. Sau khi ăn hoặc uống, có thể trong vài phút, vài giờ, thậm chí sau một ngày, trẻ đột ngột có những biểu hiện như: đau bụng, buồn nôn hay nôn, có thể nôn ra thức ăn hay nước, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, có thể lẫn máu. Ở trẻ nhỏ thường có biểu hiện sốt cao, trẻ lớn hơn thường không sốt hoặc sốt nhẹ hơn. Nếu nôn và đi cầu nhiều lần, trẻ sẽ bị mất nước và điện giải, biểu hiện nặng thường dẫn đến trụy tim mạch. Dấu hiệu mất nước thường thấy nhất là trẻ khát nước, khô miệng, khô môi, mắt trũng, có thể bị co giật, nước tiểu ít và sẫm màu. Trường hợp ngộ độc nặng, xử trí không kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Để xử trí tình huống này, cha mẹ nên cho trẻ uống nước oresol (ORS), không nên dùng nước lọc vì sẽ không bù lại lượng điện giải đã mất; cho bé ăn từng chút một thức ăn lỏng như nước cháo, xúp. Với trẻ còn bú mẹ, các bà mẹ nên cho bú một bên là đủ. Sau 6 - 8 giờ, nếu trẻ không ói thì cho bú lại bình thường. Nếu đã chăm sóc bé như trên mà tình trạng không cải thiện hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày thì cần cho trẻ nhập viện để điều trị.

Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn ở trẻ, các bậc phụ huynh cần có ý thức giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, chế biến cũng như chọn lựa thực phẩm; chú ý chất lượng cũng như hạn dùng, tuyệt đối không ăn những thức ăn lạ, giữ sạch dụng cụ đựng thức ăn, nấu chín, đun sôi trước khi cho bé sử dụng; không nên dùng lại thức ăn của ngày trước; đậy kỹ thức ăn, tránh ruồi, gián...; tạo thói quen rửa tay cho trẻ và người trong nhà trước khi cho trẻ ăn.

1

Nếu điều trị tại nhà không đỡ, cha mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Dị vật đường thở

Vào những ngày Tết, các loại thức ăn nhiều màu sắc như: mứt, hạt dưa, hạt bí, đậu phụng… rất hấp dẫn trẻ, đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tắc nghẽn đường thở. Triệu chứng ban đầu là bé ho sặc, tím tái, giãy giụa, nghẹn thở thoáng qua, sau đó bắt đầu khó thở, khò khè và ho. Dị vật đường thở còn do trẻ đùa giỡn, cười to khi đang ngậm những vật nhỏ trong miệng lúc chơi hoặc khi đang ăn; trẻ đang ngồi hoặc đứng dưới thấp mà ngước cổ lên và há miệng ra hay nói chuyện trong khi đang có vật ngậm trong miệng… Để phòng ngừa tai nạn nguy hiểm này, phụ huynh cần cẩn thận khi cho trẻ ăn các loại trái cây, dạy trẻ không nên ngậm đồ chơi vào miệng.

Hóc các loại xương như: xương cá, xương heo, xương gà cũng thường gặp vào những ngày Tết. Nguyên nhân là do trẻ ăn vội vàng vì ham chơi, hoặc do người lớn chuẩn bị thức ăn cho trẻ không kỹ. Triệu chứng là bé than đau cổ, không uống, không nuốt được ngay sau khi ăn. Cần lưu ý các bà mẹ hầm xương heo để nấu cháo, những mảnh xương vụn sẽ rơi ra khi nấu chín. Trong lúc vội vàng, bà mẹ chỉ vớt khúc xương lớn ra mà quên lọc những mảnh xương nhỏ. Trong trường hợp phải mua cháo nấu sẵn cho trẻ ăn cũng đừng quên lọc xương cẩn thận. Điều tránh tuyệt đối là các bậc cha mẹ không được dùng tay móc họng trẻ vì có thể làm trầy xước hoặc rách các cấu trúc trong họng, miệng hoặc làm dị vật đi sâu hơn.

Bỏng

Trẻ chạy chơi gần bếp vướng phải người lớn đang bưng nước hay thức ăn nóng, hoặc đun nấu; trẻ vấp phải vật dụng đựng nước hoặc thức ăn nóng để dưới đất; kéo khăn trải bàn mà trên đó có đồ vật nóng nên bị đổ vào người... là những tình huống thường gặp trong ngày Tết. Để phòng tránh những trường hợp này, nên giữ trẻ cẩn thận, cách xa những tác nhân có thể làm trẻ bị bỏng. Những ánh đèn nhấp nháy để trang trí trên các cây mai, đào… cũng làm kích thích tính tò mò của trẻ; nếu những dây điện này bị hở thì đó là một nguy cơ cao về mất an toàn cho trẻ. Bình thủy đựng nước sôi, ấm trà nóng pha sẵn cũng là những nguyên nhân gây bỏng cho trẻ trong dịp Tết.

Nếu trẻ bị bỏng điện thì ngắt ngay nguồn điện, sau đó đưa trẻ đến bệnh viện. Nếu trẻ bị bỏng nước sôi thì cần sơ cứu ngay tại chỗ bằng cách làm giảm nhiệt độ chỗ bé bị bỏng (rửa vùng bị bỏng dưới vòi nước) rồi dùng khăn hay vải sạch để băng vùng da này lại, sau đó đưa bé đến bệnh viện để được điều trị. Phòng ngừa bằng cánh luôn để mắt đến trẻ, không cho trẻ chạm vào dây điện, không để bình trà, bình thủy ở tầm mắt, tầm với của trẻ; tốt nhất nên có người lớn trông trẻ.

Chấn thương

Các loại hoa giả thường có những cọng thép để buộc vào cành hoa, có thể gây trầy xước cho trẻ nếu trẻ cầm phải. Trong những ngày Tết, trẻ thường được bố mẹ chở đi chúc Tết hoặc đi chơi, mật độ giao thông dày đặc là một trong những nguyên nhân gây tai nạn. Nhiều bố mẹ chở con không chú ý để trẻ ngủ gật hay gặp phương tiện lưu thông ẩu va chạm sẽ làm các bé ngã và bị chấn thương. Khi chở con đi du xuân, bố mẹ cần tuân thủ tốt luật giao thông, cho trẻ ngồi trên ghế riêng, có dây an toàn buộc ngang người đề phòng bé ngủ gật.

Ngọc Khánh