11:01, 08/01/2013

Báo động tình trạng mất cân bằng giới tính

Tại Khánh Hòa, tỷ lệ chênh lệch giới tính giữa nam và nữ là 108,6 bé trai/100 bé gái, tuy chưa tới mức trầm trọng, nhưng tại một số địa phương như huyện Vạn Ninh thì lại đang ở mức báo động.

Tại Khánh Hòa, tỷ lệ chênh lệch giới tính giữa nam và nữ là 108,6 bé trai/100 bé gái, tuy chưa tới mức trầm trọng, nhưng tại một số địa phương như huyện Vạn Ninh thì lại đang ở mức báo động.

Là huyện ven biển, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề biển, nghề nông nên quan niệm thích sinh con nhiều, nhất là con trai còn trong suy nghĩ của nhiều gia đình ở Vạn Ninh. Theo thống kê, năm 2009, Vạn Ninh bắt đầu có dấu hiệu mất cân bằng giới tính khi sinh, nam nhiều hơn nữ. Năm 2011, tỷ lệ giới tính khi sinh toàn huyện là 108% (108 bé trai/100 bé gái). Trong đó, xã Xuân Sơn có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao nhất là 147%, tiếp đến là xã Vạn Phước, xã Vạn Thắng trên dưới 135%. Năm 2012, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Vạn Ninh đến mức báo động. Tỷ lệ trung bình toàn huyện là 121,4%, tăng hơn năm 2011 tới 13,4%. Xuân Sơn vẫn là xã dẫn đầu với tỷ lệ chênh lệch giữa nam và nữ cao gần 159%; xã Vạn Lương 140,7%. Số xã xảy ra tình trạng chênh lệch giới tính ở Vạn Ninh cũng tăng so với những năm trước.

Một bệnh nhi nam đang điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh. (Ảnh minh họa).
Một bệnh nhi nam đang điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh. (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Huỳnh Tình - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Vạn Ninh cho biết: Do tập quán sinh sống vùng biển nên tư tưởng trọng nam vẫn còn tồn tại. Mặt khác, việc chọn giới tính thai nhi trước khi sinh cũng tồn tại trong cộng đồng thông qua những văn hóa phẩm hướng dẫn lựa chọn giới tính, internet, tư vấn cách sinh theo ý muốn... mà người dân không biết rằng hậu quả trong tương lai là sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người phụ nữ do đẻ nhiều, đẻ dày...”. Không chỉ do tập quán mà nhiều gia đình hiện nay ở Vạn Ninh dù có hiểu biết, kinh tế khá giả cũng muốn sinh thêm con. Anh Nguyễn Thanh Thảo ở thôn Tân Đức Đông, xã Vạn Lương là một ví dụ khi nói rằng: “Làm nghề biển nên sinh thêm đứa con trai nữa để mai mốt phụ cha mẹ làm biển, chứ 2 đứa thấy cũng ít”!

Chị Đỗ Ngọc Thảo - làm công tác chuyên trách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã Vạn Lương nói: “Những năm qua, tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh ở đây cao. Đặc biệt, năm 2012 là năm Nhâm Thìn, theo quan niệm của người dân là tuổi đẹp, người ta càng muốn sinh con trai để nối dõi nghề nghiệp”.

Tại Khoa Sản Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh, qua quan sát chúng tôi thấy có 7 trẻ mới sinh, trong đó có tới 6 bé trai. Đa số sản phụ ở đây cho biết, trước khi thụ thai đã áp dụng các biện pháp chọn con trai như: siêu âm theo dõi trứng, dùng que thử kiểm tra ngày rụng trứng, tính chu kỳ kinh nguyệt, tính tuổi mẹ và tháng thụ thai... Theo chị Huỳnh Thị Ngọc Thuận, tổ 4 thị trấn Vạn Giã, “trước khi sinh, vợ chồng tôi cũng xem trên internet, sách báo cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để sinh con trai và tới phòng khám để bác sĩ tư vấn nên thụ thai thời gian nào để biết giới tính trai hay gái. Thấy năm Nhâm Thìn tốt nên chúng tôi quyết sinh con trai đầu lòng cho yên tâm hơn, giờ cũng được như ý”.

Thực tế, điều kiện để các cặp vợ chồng chọn được giới tính như mong muốn khi mang thai ngày càng dễ dàng hơn. Các phòng mạch tư vì muốn giữ khách hàng nên vẫn sẵn sàng giúp các cặp vợ chồng lựa chọn giới tính. Lo lắng trước tình trạng mất cân bằng giới tính ở địa phương, bác sĩ Huỳnh Tình nhấn mạnh: “Giải pháp sắp tới của huyện là đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh các văn hóa phẩm có nội dung liên quan đến vấn đề này; kiểm soát các cơ sở nạo phá thai và cơ sở siêu âm lựa chọn giới tính...”.

Hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động trực tiếp đến cuộc sống, hạnh phúc hôn nhân của thế hệ tương lai, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự xã hội. Chính vì vậy, địa phương, các cấp, ngành cần quan tâm và có giải pháp kiểm soát hiệu quả hơn vấn đề này trong thời gian tới.

A.T