Tăng huyết áp và đái tháo đường là hai bệnh ngày càng phổ biến ở những nước phát triển nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hai bệnh này có thể độc lập hoặc có mối liên quan với nhau.
Tăng huyết áp và đái tháo đường (ĐTĐ) là hai bệnh ngày càng phổ biến ở những nước phát triển nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hai bệnh này có thể độc lập hoặc có mối liên quan với nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp và ĐTĐ thường song hành cùng nhau vì chúng có cùng những yếu tố nguy cơ như: thừa cân hoặc béo phì; chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều muối, đường; lười vận động.
Tăng huyết áp là một yếu tố làm tăng mức độ nặng của ĐTĐ, ngược lại ĐTĐ cũng làm cho tăng huyết áp trở nên khó điều trị hơn. Người ta thấy rằng tỷ lệ tăng huyết áp ở người ĐTĐ cao gấp 2 lần so với người không bị ĐTĐ. Ở bệnh nhân ĐTĐ tuýp 1 (cơ thể ngừng sản xuất insulin hoặc sản xuất quá ít, không đủ để điều hòa lượng đường trong máu), tăng huyết áp thường là hậu quả của biến chứng thận. Còn ở bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 (cơ thể có khả năng sản xuất insulin nhưng mất một phần hoặc hoàn toàn khả năng sử dụng insulin này), tăng huyết áp có thể xuất hiện trước khi bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ hoặc được phát hiện đồng thời với ĐTĐ trong bệnh cảnh của hội chứng chuyển hóa. Hội chứng này là một nhóm những biểu hiện bất thường về lâm sàng và xét nghiệm bao gồm: tăng huyết áp, béo bụng (chu vi vòng eo từ 90cm trở lên ở nam và từ 80cm trở lên ở nữ), rối loạn chuyển hóa lipid (tăng triglycerid, giảm HDL - cholesterol), rối loạn dung nạp glucose. Theo một nghiên cứu của Mỹ, có khoảng 65% bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 có tăng huyết áp. Tuy người bệnh ĐTĐ ở tuýp 1 hay tuýp 2, nhưng khi có tăng huyết áp đều làm cho tiên lượng bệnh xấu đi rõ rệt: làm cho tỷ lệ bệnh lý mạch vành và đột quỵ tăng gấp 2 - 3 lần so với người không bị ĐTĐ. Tăng huyết áp và ĐTĐ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch máu lớn và nhỏ: bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, tắc mạch chi, bệnh võng mạc mắt, bệnh thận, bệnh lý thần kinh. Việc làm giảm huyết áp sẽ giúp giảm các nguy cơ trên nên được coi là một mục tiêu quan trọng ở bệnh nhân ĐTĐ có tăng huyết áp. Đã có tác giả cho rằng, việc kiểm soát tốt huyết áp thậm chí còn quan trọng hơn cả kiểm soát đường máu.
Mục tiêu điều trị tăng huyết áp ở người ĐTĐ là huyết áp dưới 130/80mmHg. Để kiểm soát được huyết áp phải kết hợp giữa biện pháp không dùng thuốc (còn gọi là biện pháp thay đổi lối sống) và dùng thuốc.
Việc thay đổi lối sống cần được áp dụng trên tất cả các bệnh nhân. Sự thay đổi lối sống không chỉ làm hạ huyết áp mà còn góp phần điều hòa mức đường máu. Giảm cân nặng nếu bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi (nhưng ít ngọt như thanh long, táo, bưởi) và protein từ thực vật (các chế phẩm từ đậu tương); hạn chế ăn các chất béo và chất béo bão hòa, những thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Ăn giảm muối (<6g/ngày - tương đương 1 thìa cà phê gạt ngang). Hạn chế uống rượu, bia: không quá 2 ly rượu nhỏ/ngày (30ml), < 750ml bia; ngừng hút thuốc lá. Tăng cường hoạt động thể lực: đi bộ nhanh 30 - 45 phút/ngày. Với người có bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác cần được bác sĩ chỉ định tập thể dục một cách hợp lý.
Những bệnh nhân có huyết áp tâm thu 130 - 139mmHg hoặc huyết áp tâm trương 80 - 89mmHg cần được áp dụng biện pháp không dùng thuốc đơn độc trong 3 tháng, nếu không đạt được huyết áp mục tiêu thì phải kết hợp với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
KHÁNH QUỲNH (Tổng hợp)