10:01, 04/01/2013

Dịch vụ mới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

Bác sĩ Phạm Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản - (số 36 Yết Kiêu, TP. Nha Trang) cho biết, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trong tỉnh, từ cuối năm 2012, Trung tâm đã triển khai thêm một số dịch vụ mới.

Bác sĩ (BS) Phạm Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản - SKSS (số 36 Yết Kiêu, TP. Nha Trang) cho biết, để nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS cho người dân trong tỉnh, từ cuối năm 2012, Trung tâm đã triển khai thêm một số dịch vụ mới.

Tư vấn trực tiếp khoảng 10 ca mỗi ngày

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8-2012, Phòng khám Nam khoa của Trung tâm có chức năng tư vấn, khám và điều trị các bệnh liên quan đến SKSS nam giới. Để phòng khám hoạt động thuận lợi, Trung tâm đã bố trí một phòng ở vị trí thuận tiện với đầy đủ sách báo, tranh ảnh, tài liệu liên quan, máy vi tính kết nối Internet để khách hàng có thể nghiên cứu, tham khảo. Căn phòng này cũng là nơi diễn ra những buổi sinh hoạt, tư vấn nhóm về SKSS nam giới.


Về nhân lực, bên cạnh sự tham gia của BS Phạm Huy Khôi với vai trò chính trong việc tư vấn qua điện thoại, BS Hoàng Thị Thiên Trúc - Trưởng khoa Vị thành niên - Nam học, Trung tâm còn huy động sự tham gia của tất cả BS ở các khoa, phòng liên quan trong việc khám, tư vấn và điều trị. Nhờ thế, hoạt động của phòng khám diễn ra khá suôn sẻ và tạo được uy tín đối với khách hàng. BS Trúc cho biết, hiện mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 10 ca đến tư vấn trực tiếp về các vấn đề liên quan đến chuyện vợ chồng, các bệnh nam khoa liên quan đến bộ phận sinh dục nam, tình trạng vô sinh nam và rối loạn tình dục, giảm tiết testosterone (nội tiết tố nam) ở nam giới lớn tuổi...

sức khỏe sinh sản
Tư vấn các vấn đề về sức khỏe sinh sản  nam giới tại Phòng khám Nam khoa, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Những câu chuyện buồn vui

Có mặt ở phòng khám một ngày đầu năm mới, chúng tôi không khỏi vui lây với niềm vui của vợ chồng anh Tú, chị Nguyệt ở phường Phước Tân (Nha Trang). Anh chị kết hôn đã 4 năm nhưng vẫn chưa có con. Trục trặc đầu tiên xảy ra với chị khi lần mang thai đầu tiên chị bị chửa trứng. Sau khi bỏ cái thai đó, chị phải điều trị theo phác đồ của BS hơn 2 năm. Đến khi bộ phận sinh sản của chị ổn định thì anh lại có vấn đề khi tinh dịch quá loãng. “Tôi nói mãi anh ấy mới chịu đến đây tư vấn. Sau khi làm các xét nghiệm, BS nói anh ấy phải điều trị thuốc một thời gian. Nghe BS nói chỉ cần ăn uống bổ dưỡng, chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, uống thuốc theo đúng phác đồ thì chúng tôi có thể có con trong vài tháng tới, tôi rất mừng”, chị Nguyệt chia sẻ.

Vợ chồng chị Nguyệt vừa ra về thì một người đàn ông xấp xỉ 50 tuổi, mặt che khẩu trang bước vào. Anh cho biết nửa năm trước, khi đi công tác ở Vũng Tàu, sau một chầu nhậu say bí tỉ, tỉnh dậy anh tá hỏa khi thấy người nằm cạnh là một cô gái không phải vợ mình. Từ đó trở đi anh mắc chứng đau lưng, đau tinh hoàn. Anh đã mua thuốc để tự chữa bệnh lây qua đường tình dục nhưng mãi không đỡ. Sợ vợ phát hiện, sợ bệnh nặng hơn trong khi vùng nhạy cảm vừa đau vừa ngứa nên anh phải đến gặp BS.

BS Trúc cho biết, các bệnh nhân nam trẻ tuổi đến khám thường bị mắc các chứng như đau tinh hoàn, có các biểu hiện rối loạn về tình dục hoặc bị nhiễm trùng tiết niệu. Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân nam đến khám vì các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục như lậu, giang mai, sùi mào gà chiếm đa số. Có người đã bước qua tuổi 20 từ lâu nhưng vẫn “mày râu nhẵn nhụi” nên nhờ các BS cho một liều thuốc mọc râu. Có người đã cưới vợ được gần năm nhưng vẫn “không làm ăn được gì” nên đến khám.

Trường hợp vị giám đốc 55 tuổi ở Diên Khánh với gương mặt thiểu não tìm đến nhờ nối lại ống dẫn tinh cách đây không lâu khiến BS Trúc nhớ mãi. Nguyên nhân là do điều kiện gia đình nên sau khi sinh được một cậu con trai, ông đi thắt ống dẫn tinh. Cuộc sống tưởng như rất ưu ái khi sự nghiệp của ông thăng tiến tốt, kinh tế gia đình khá dần lên, cậu con trai học hành giỏi giang. Thế nhưng, mọi chuyện rẽ sang hướng khác khi người con gặp tai nạn và mất khi gần 30 tuổi. “Bầu trời như sụp xuống đầu tôi. Vợ tôi như hóa điên. Bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc, kỳ vọng của chúng tôi đều tan tành. Bây giờ, sinh được một đứa con khác có lẽ mới giúp chúng tôi tìm lại cuộc sống”, vị giám đốc nghẹn lời. Nhưng ông càng đau đớn hơn khi nghe BS giải thích khả năng giúp ông làm cha lần nữa không nhiều, khi ống dẫn tinh đã thắt từ 20 năm trước: “Thắt ống dẫn tinh thì dễ, nối lại rất khó. Hơn nữa, không hẳn cứ nối thông là sẽ có con bởi khi thắt ống dẫn tinh, cơ thể sản xuất một loại kháng thể kháng tinh trùng, nên dù nối lại, tinh trùng cũng yếu. Thời gian thắt càng dài thì cơ hội có con lại sau nối càng khó”, BS Trúc giải thích. BS vừa dứt lời, người đàn ông bỗng gục mặt trên bàn khám, đôi vai rung lên. Dù vậy, sau đó, ông vẫn nhất quyết xin BS nối lại ống dẫn tinh cho mình. “Dù gì tôi cũng muốn thử, bởi nếu không có con nữa, cuộc sống của tôi chẳng còn ý nghĩa gì”, ông nài nỉ. Và các BS đã thắt lại ống dẫn tinh cho ông. Từ đó đến nay đã hơn 1 năm không thấy ông quay trở lại.

Biết bao câu chuyện buồn, vui đã và đang diễn ra ở Phòng khám Nam khoa, Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh. “Để phòng khám hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả, chúng tôi đang cho trang bị thêm tài liệu, sách báo, tranh ảnh, máy vi tính kết nối Internet để phục vụ khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc SKSS nam giới cho cán bộ, nhân viên Trung tâm để nâng cao hơn nữa năng lực tư vấn, khám và điều trị các vấn đề liên quan đến nam khoa cho người dân”, BS Khôi cho biết.

NGỌC KHÁNH